Người dân Paris vững vàng trước hành động tàn bạo của khủng bố

Sự tàn bạo ngoài sức tưởng tượng của IS trở thành lời hiệu triệu đoàn kết chống lại chủ nghĩa khủng bố trên toàn nước Pháp và phạm vi toàn cầu.
Người đàn ông vô danh chơi bản Imagine trước cửa nhà hát Bataclan sáng 14/11 (Nguồn: Twitter)

Tròn một tuần sau các vụ tấn công khủng bố liên hoàn làm ít nhất 129 người chết và 352 bị thương ngay giữa trung tâm Paris, tối 20/11, tại Quảng trường Cộng hòa ở Paris và các địa điểm bị tấn công khủng bố đêm 13/11 và trên khắp nước Pháp, các hoạt động tưởng niệm đã đồng loạt diễn ra với rất nhiều hoa và nến.

Giữa tiếng đàn, tiếng hát, những nhịp chân bước đều và những vòng tay vung cao của người dân Paris và bầu bạn là những tiếng cười và cả những giọt nước mắt…

Không có diễn văn chính thức nào, chỉ có những lời nói giản dị đến từ con tim của những người có mặt: "Paris vẫn đứng vững", "Paris đang kết thành một khối", "Cuộc sống mạnh hơn cái chết, đó là lẽ tự nhiên."

Trái ngược với những điều mà những phần tử Hồi giáo cực đoan mong đợi là gieo rắc nỗi kinh hoàng cho người dân, sau các vụ tấn công, người dân Paris đã có nhiều nghĩa cử cao đẹp thể hiện sự dũng cảm, niềm tin và tình người ấm áp.

Ngay sau các vụ tấn công, người dân Paris bắt đầu lan truyền trên các trang mạng xã hội cụm từ "Portes ouvertes", có nghĩa là "Cửa mở đấy" để thông báo hỗ trợ chỗ ở cho các du khách bị mắc kẹt trong thành phố, mặc dù việc làm này có thể mang đến rủi ro là bọn khủng bố có thể trà trộn vào.

Ngày hôm sau và trong những ngày tiếp theo, bất chấp lệnh cấm tụ tập đông người tại các địa điểm công cộng do lo sợ tiếp tục có khủng bố, rất nhiều người vượt qua nỗi sợ hãi đã đến đặt hoa, thắp nến tại quảng trường Cộng hòa - địa điểm được coi như biểu tượng của tình đoàn kết quốc gia kể từ cuộc tuần hành hồi tháng 1 vừa qua sau vụ tấn công vào tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo và các vụ tấn công tiếp theo làm 17 người chết.

Một phụ nữ Australia gốc Pháp vẽ hình cờ Tam tài lên mặt (Nguồn: AFP)

Họ đã cùng hòa giọng bài quốc ca "La Marseillaise", thắp bừng niềm tự hào và tinh thần yêu nước.

Hàng nghìn người dân trên toàn nước Pháp và bạn bè quốc tế cũng đã đến tưởng niệm bên ngoài nhà hát Bataclan, nơi những kẻ khủng bố đã gây ra vụ thảm sát tồi tệ nhất cùng vụ bắt cóc con tin làm 89 người chết.

Nhiều người mang theo biểu ngữ: "Không run sợ", "Chúng tôi sẽ vẫn đến xem diễn ở Bataclan". Chiều 14/11, một nghệ sỹ đã mang đến trước cửa nhà hát Bataclan một cây đàn piano và chơi bản nhạc "Imagine" ngợi ca hòa bình của John Lennon. Một hành động làm rung động hàng triệu con tim.

Không chỉ có vậy, tại các trung tâm hiến máu đặt tại các bệnh viện Pitié-Salpêtrière, Georges Pompidou, Saint-Louis… tại Paris và vùng ngoại ô, dòng người xếp hàng dài để được hiến máu giúp các bệnh viện cứu chữa những người bị thương trong các vụ tấn công.

Người dân Chicago đồng thanh hát bài Quốc ca Pháp La Marseillaise (Nguồn: AFP)

Cách hành xử đó không chỉ khiến người dân Paris thêm vững vàng trong hoạn nạn mà còn gây ấn tượng với cả thế giới. Ngay lập tức, những nghĩa cử đó đã nhận được sự chia sẻ, đồng cảm từ giới chức, nghệ sỹ, cho đến người dân bình thường trên toàn thế giới. Tất cả đều bày tỏ tình đoàn kết với Paris.

Trong buổi diễn tối 14/11 tại Stockholm (Thụy Điển), nữ hoàng nhạc pop Madonna đã tưởng niệm các nạn nhân bằng cách hát bằng tiếng Pháp bài hát "La vie en rose" (Cuộc sống màu hồng) trong khi ban nhạc rock U2 của Irland đang có mặt tại Paris nhân đợt trình diễn, đã đến đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân trước nhà hát Bataclan.

Các nghệ sỹ của nhiều ban nhạc quốc tế khác đều nhắn tin chia buồn và bày tỏ nỗi xúc động trước cái chết của những người vô tội. Cùng với đó, nhiều công trình biểu tượng trên thế giới như Trung tâm thương mại Một Thế giới ở New York (Mỹ), Tòa thị chính San Francisco (Mỹ), Nhà hát Con sò ở Sydney (Australia), sân vận động Wembley ở London (Anh),… được thắp sáng với sắc xanh, trắng, đỏ - màu quốc kỳ Pháp nhằm bày tỏ sự đồng cảm và đoàn kết với nhân dân Pháp cũng như các nạn nhân của vụ thảm sát đẫm máu.

Tấm ảnh "Cầu nguyện cho Paris" đã được cộng đồng thế giới chia sẻ rộng rãi trên các mạng xã hội.

Thông điệp Pray for Paris xuất hiện khắp nơi.

Sau ba ngày quốc tang, các hoạt động văn hóa và vui chơi giải trí đã bắt đầu trở lại. Người Paris lại tiếp tục cuộc sống hàng ngày, mặc dù khó khăn hơn, với nhiều đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần.

Cô gái trẻ Emilie Broust, đến từ ngoại ô Paris chia sẻ: "Bọn khủng bố muốn chúng tôi sợ hãi và buộc chúng tôi phải câm lặng. Do vậy, chỉ bằng những việc đơn giản như tiếp tục ra ngoài đường, tiếp tục sống như ngày hôm qua, tiếp tục vui chơi vào những ngày nghỉ cuối tuần, là chúng tôi đã chiến thắng."

Còn Bộ trưởng Văn hóa Pháp Fleur Pellerin thì cho rằng duy trì việc đóng cửa các điểm vui chơi giải trí chẳng khác gì thừa nhận nỗi sợ hãi và "đầu hàng chịu thua" quân khủng bố. Bà cũng khuyến khích các nhạc sỹ tiếp tục tham gia các buổi hòa nhạc vì khi đối mặt với những "hành động dã man" thì văn hóa là "lá chắn" lớn nhất và các nghệ sỹ là "vũ khí" lợi hại nhất.

Về phần mình, Tổng thống François Hollande tuyên bố, Pháp sẽ nhanh chóng vượt qua những tổn thương và mất mát từ vụ tấn công. Đối mặt với sợ hãi, nước Pháp biết cách để bảo vệ mình, Pháp sẽ đánh bại những kẻ khủng bố."

Người dân Mỹ gửi những thông điệp ủng hộ nhân dân Paris (Nguồn: AFP)

Tròn một tuần sau loạt vụ tấn công khủng bố, tháp Eiffel - tạm đóng cửa sau khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố- lại lung linh, rực rỡ trở lại trong sắc cờ Pháp. Quảng trường Cộng hòa nằm cách nhà hát Bataclan khoảng 500m, trở thành điểm hẹn của hàng nghìn người Pháp và bạn bè quốc tế yêu tự do và công lý.

Họ mang theo một nhành hoa và một vài ngọn nến, thắp lên tưởng niệm những người đã mất. Bầu không khí lúc đầu trầm lắng, trang nghiêm sau trở nên sôi động với rất nhiều lời ca, tiếng hát.

Tại nhiều địa điểm ở Paris và trên toàn nước Pháp, các lễ tưởng niệm đã diễn ra một cách hoàn toàn tự nhiên, không có sự chuẩn bị trước. Các buổi lễ dung dị và cảm động đã cho thấy thảm kịch đẫm máu đã không làm người dân Paris gục ngã; sự tàn bạo ngoài sức tưởng tượng của IS đã trở thành lời hiệu triệu cho sự đoàn kết chống lại chủ nghĩa khủng bố trên toàn nước Pháp và phạm vi toàn cầu.

Thực tế cho thấy thử thách khắc nghiệt vừa qua chỉ làm thể hiện rõ hơn sự dũng cảm và kiên cường của người dân Paris, đặc biệt là những tình cảm nhân ái, sự chia sẻ các giá trị nhân văn cao đẹp trên toàn thế giới, đưa con người đến gần với nhau hơn.

Thử thách đó cũng truyền đi thông điệp thức tỉnh tình yêu thương, biến nỗi đau thành sức mạnh. Tất cả đã kết lại thành vòng tay nhân ái rộng lớn, tất cả như muốn nói "Không" với các hành động khủng bố./.

Tháp Eiffel vẫn đứng hiên ngang (Nguồn: AFP)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục