Người dân Thái Lan tưng bừng đón Tết cổ truyền Songkran

Đây là Tết Năm mới đầu tiên sau khi năm để tang Nhà vua quá cố Bhumibol Adulyadej kết thúc và các hoạt động mừng Năm mới đã diễn ra trong không khí tươi vui rộn rã.
Người dân Thái Lan và khách du lịch vui chơi trong Lễ Songkran ở Ayutthaya. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, bắt đầu từ sáng 13/4, người dân Thái Lan đã bước vào dịp lễ Tết cổ truyền Songkran, còn gọi là Tết Năm mới.

Đây là Tết Năm mới đầu tiên sau khi năm để tang Nhà vua quá cố Bhumibol Adulyadej kết thúc và các hoạt động mừng Năm mới đã diễn ra trong không khí tươi vui rộn rã.

Với khoảng 94% dân số theo đạo Phật, Thái Lan và nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Lào, Campuchia và Myanmar đón Năm mới theo Phật lịch và từ Songkran xuất phát từ tiếng Phạn có nghĩa là "lúc thời gian chuyển dịch” hàm ý về sự đổi mới, phát triển.

Ngoài ra, lễ hội cũng là một hoạt động văn hóa liên quan đến chu kỳ sản xuất nông nghiệp ở Đông Nam Á.

Về ý nghĩa tâm linh, té nước tượng trưng cho hình ảnh của thần rắn Naga phun nước xuống trần gian để đem lại mùa màng tốt tươi.

Mặt khác, tháng Tư là giai đoạn đầu mùa Hè nên người ta té nước vào nhau không chỉ để cầu mong một mùa vụ bội thu mà còn để làm dịu bớt cái nóng oi bức.

Ngày chính thức của tết Songkran là ngày 13/4, song người Thái thường chuẩn bị trước từ ngày 12/4.

Trong ngày này, người ta dọn dẹp nhà cửa, bỏ đi cái cũ, đồng thời sắm sửa vật dụng, đồ ăn, thức uống.

Vào buổi sáng ngày 13/4, theo phong tục truyền thống, người dân lên chùa dâng hương, lễ Phật và thực hành nghi lễ tắm Phật đầu năm đón mừng theo sự tích Đản sinh của Đức Phật, để tỏ lòng thành kính và cầu may cho Năm mới.

Các Phật tử xếp hàng lần lượt đến trước tượng, cúi lạy trước khi cầm chiếc gáo nhỏ múc nước hương thơm rưới lên tượng Phật.

Mọi người cũng mang trái cây và những món ăn chay dâng lên các vị sư, đồng thời thả chim phóng sinh, sau đó là chúc thọ ông bà, cha mẹ, lấy nước thơm vẩy lên người nhau để chúc phúc. Còn tại nơi ở của người Thái, các bức ảnh của Đức Phật cũng được lau sạch sẽ và vẩy nước thơm.

Trước đó, người dân tới bờ sông và đắp các ngôi chùa, tháp nhỏ bằng cát với lòng thành kính cao độ. Sau nghi lễ ở chùa, mọi người đổ xuống đường chào đón năm mới bằng việc phun nước vào người nhau để gột rửa mọi ưu phiền của năm cũ, đón mừng năm mới.

Trên mọi nẻo đường khắp Thái Lan, người dân mặc áo hoa, bật nhạc, hò reo, nhảy múa và té nước vào nhau bằng gáo, xô, súng phun nước… Người Thái tin rằng ai càng được té nhiều nước người đó càng có nhiều may mắn trong Năm mới.

Lễ hội Songkran ở thủ đô Bangkok và hai tỉnh Chiang Mai và Udon Thani được đánh giá là có quy mô hoành tráng và tưng bừng nhất ở Thái Lan.

Người dân Thái Lan và khách du lịch vui chơi trong Lễ Songkran ở Ayutthaya. (Nguồn: THX/TTXVN)

Đặc biệt, năm nay cố đô Ayuthaya đã trở thành tâm điểm của các sự kiến văn hóa và lễ hội năm mới do ảnh hưởng truyền thông của bộ phim cổ trang truyền hình ăn khách Bpoop Phaeh Saniwaat - Love Destiny (tựa Việt: Nhân Duyên Tiền Định) với bối cảnh lịch sử thời đại Ayuthaya.

Cũng nhờ Love Destiny, trang phục truyền thống bất ngờ trở thành xu hướng thời trang mới tại xứ Chùa Vàng trong dịp Songkran 2018. 

Về khía cạnh kinh tế, Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) ước tính trong thời gian từ ngày 12-16/4, toàn ngành du lịch Thái Lan thu từ chi tiêu của du khách nước ngoài và trong nước lên đến 19.8 tỷ Baht, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có 9.4 tỷ Baht được tiêu dùng bởi 530,000 du khách nước ngoài, tăng lần lượt là 21% và 13%. Trong khi đó, chi tiêu du lịch nội địa ước đạt 10.4 tỷ Baht (tăng 15%) từ du khách trong nước với 3 triệu chuyến đi (tăng 12%).

Để bảo đảm an ninh, an toàn trong dịp lễ Songkran năm nay, an ninh được siết chặt tại các điểm vui chơi công cộng, chính quyền Thái Lan còn tăng cường kiểm tra phương tiện giao thông nhằm giảm thiểu số vụ tai nạn trên đường trong dịp đầu năm mới. Đây cũng là thời điểm mà Thái Lan sẽ đón hàng triệu khách du lịch nước ngoài và chính quyền sở tại luôn muốn xây dựng hình ảnh Thái Lan hiếu khách và an toàn trong dịp lễ hội này.

Hồi cuối tháng 3, Chính phủ Thái Lan đã triệu tập phiên họp đặc biệt nhằm xem xét một kế hoạch tổng thể nhằm hạn chế tình trạng tai nạn giao thông trong dịp Tết cổ truyền. Tuy nhiên, theo thông báo của Trung tâm chỉ đạo An toàn đường bộ Thái Lan, trong hai ngày đầu của “bảy ngày nguy hiểm”, từ ngày 11 đến 16/4, đã có 99 người chết và gần 600 người bị thương trong các vụ tai nạn giao thông.

Hai nguyên nhân hàng đầu là tài xế say rượu và chạy quá tốc độ. Trong năm 2017, vào dịp Tết Songkran, tại Thái Lan đã xảy ra gần 3.700 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm 390 người thiệt mạng và gần 4.000 người bị thương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục