Tình trạng nhiều bộ, ngành, tỉnh, thành triển khai ứng dụng phòng chống dịch COVID-19 hay khai báo y tế khác nhau khiến người dùng gặp không ít khó khăn trong việc nhận diện, phải khai báo nhiều lần.
Quá nhiều ứng dụng phòng dịch
Trước tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch cũng như truy vết, các bộ, ngành đã phát triển, đưa vào áp dụng hàng loạt ứng dụng và trang webnhư: Bluezone, VHD, Sổ sức khỏe điện tử; tokhaiyte.vn; suckhoe.dancuquocgia.gov.vn...
Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai 6 nền tảng công nghệ phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, bao gồm: Nền tảng khai báo y tế và quản lý vào ra các địa điểm cộng cộng bằng QR Code; Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19; Nền tảng quản lý lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm; Nền tảng hỗ trợ truy vết; Nền tảng giám sát cách ly; Nền tảng phân tích số liệu phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo.
Hay như mới đây nhất, hôm nay, ngày 8/9, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) đã triển khai xây dựng ứng dụng khai báo y tế điện tử VNEID. Theo đó VNEID để phục vụ công dân rút ngắn thời gian khai báo y tế trong quá trình tham gia giao thông.
Trong số các ứng dụng nói trên, có 3 nền tảng công nghệ phòng chống dịch COVID-19 bắt buộc dùng chung trên toàn quốc là: Nền tảng khai báo y tế và quản lý ra vào địa điểm công cộng bằng mã QR Code; Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm và Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19.
['Triển khai công nghệ phòng, chống COVID-19 phải có sự thống nhất']
Thực tế ghi nhận, nhiều người dân tỏ ra lúng túng khi phải sử dụng rất nhiều ứng dụng và nền tảng như vậy.
Anh N.V.P (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, khi đi tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi đầu tiên tại bệnh viện, anh được khai báo y tế bằng ứng dụng VHD (Vietnam health declaration) và cập nhật thông tin tại Sổ sức khoẻ điện tử.
Tuy nhiên với mũi tiêm thứ hai được tiêm tại một cơ sở y tế, anh lại được yêu cầu khai báo bằng ứng dụng Bluezone. Khi tải ứng dụng về và khai báo, anh N.V.P cho biết toàn bộ lịch sử khai báo y tế của mình trên trước đó trên ứng dụng VHD không được cập nhật vào Bluezone.
Chị Thảo (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ hàng ngày nghe loa phường thông báo cài đặt Bluezone để khai báo y tế cũng như phòng dịch, chị đã tải và sử dụng ứng dụng. Tuy nhiên, khi đi làm ở công ty thì phải khai báo theo một ứng dụng khác. Điều này khiến chị băn khoăn bởi không biết đâu là ứng dụng chính thống.
Trong khi đó, nhiều người cũng thắc mắc là họ đã tiêm chủng và qua xét nghiệm COVID-19, tuy nhiên, trên các ứng dụng mà họ đã khai báo (Bluezone, Sổ sức khỏe điện tử...) thì vẫn hiển thị là chưa tiêm, chưa có lịch sử xét nghiệm...
Vì sao không tạo thành một "super app"?
Trước việc "loạn ứng dụng," nhiều người dùng đặt ra câu hỏi: Tại sao không gộp tất cả vào làm một để giúp người dân tiện theo dõi và khai báo tình hình sức khỏe, hạn chế đăng ký nhiều tài khoản cũng như dễ dàng sử dụng?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Trung - Phó Tổ trưởng Tổ thông tin đáp ứng nhanh phục vụ phòng chống dịch (Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19) chia sẻ: "Mỗi ứng dụng giúp giải quyết một bài toán khác nhau. Việc gộp tất cả vào một 'super app' sẽ mâu thuẫn về nguyên tắc thiết kế."
Theo ông Trung, có nhiều bài toán được đưa ra trong công tác phòng chống dịch và mỗi ứng dụng, giải pháp có một nguyên tắc riêng.
Ví dụ, người nước ngoài nhập cảnh và người Việt Nam sẽ có nhu cầu khai báo dữ liệu khác nhau, ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần phải đảm bảo quyền riêng tư của người dùng. Vì vậy, không thể tích hợp các ứng dụng làm một.
Ông Lưu Thế Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế số của Viettel Solutions, đơn vị phát triển ứng dụng VHD cũng cho biết việc tích hợp ở đây nên là dữ liệu chứ không phải ứng dụng. Người dùng vẫn cần cài 2-3 ứng dụng để phục vụ các nhu cầu hiện nay.
Ông Nguyễn Trường Nam - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, cũng cho biết người dân sẽ chỉ cần cài một ứng dụng bất kỳ trong số các ứng dụng được khuyến nghị và chúng sẽ sinh ra một mã QR, mã này có thể liên thông với các ứng dụng còn lại về mặt dữ liệu.
Đại diện Cục Tin học hoá Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chia sẻ để đối phó với dịch bệnh, đơn vị này là đầu mối tập hợp nguồn lực của doanh nghiệp công nghệ thông tin.
Ban đầu, để đáp ứng nhanh nhu cầu chống dịch, mỗi đơn vị sẽ đảm nhận phát triển các ứng dụng khác nhau cho mỗi một nhiệm vụ đặc thù, vì vậy, sau thời gian sẽ sinh ra nhiều app.
Hiện tại, theo các chuyên gia, khả năng gộp các ứng dụng phòng chống dịch thành một ứng dụng lớn là khó khả thi vì mỗi ứng dụng có chức năng khác nhau, phạm vi sử dụng với những đối tượng khác nhau, đồng bộ công nghệ lõi cũng rất khó khăn.
Vì thế, đáp án khả thi cho vấn đề hàng loạt ứng dụng phòng chống dịch cùng triển khai được đưa ra là liên thông dữ liệu. Trung tâm công nghệ của Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông là đơn vị thực hiện nhiệm vụ này.
Trên thực tế, việc liên thông dữ liệu giữa các ứng dụng đã bắt đầu được triển khai từ cuối tháng 5/2021, hiện vẫn được trong quá trình phát triển để phục vụ các phát sinh trong quá trình phòng chống dịch tại Việt Nam.
Nhờ sự liên thông này, người dùng chỉ cần một mã QR. Mã này sẽ liên thông với toàn bộ dữ liệu của các ứng dụng phòng chống dịch, từ check-in, khai báo y tế, xét nghiệm, tiêm chủng và tiến tới là công tác khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, bao giờ thì sự liên thông này hoàn tất vẫn còn để ngỏ. Hiện tại người sử dụng vẫn cứ phải loay hoay với đống ứng dụng tải đầy trong điện thoại, mà khi sử dụng thì vẫn phải khai báo bằng giấy bút ví dụ như đi tiêm hay xét nghiệm COVID-19./.