Trong cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Malaysia, cái tên “chị Trang y sỹ” hay “chị Trang bác sỹ” được rất nhiều người biết đến, dù đó là đối với các cán bộ nhân viên các cơ quan đại diện của Việt Nam hay với chị em phụ nữ trong cộng đồng hoặc các lao động Việt Nam, nhất là những người không may gặp hoàn cảnh khó khăn.
Được coi là một trong những người Việt Nam có thâm niên sinh sống và làm việc thuộc diện “lão làng” tại Malaysia, chị Trần Thị Trang bén duyên với đất nước này sau một chuyến đi công tác mà chị gọi là “định mệnh.”
Sau chuyến đi cùng đoàn bác sỹ tim mạch Việt Nam đến Malaysia cách đây hơn hai thập kỷ, chị đã được Viện tim quốc gia Malaysia mời ở lại công tác.
Với trình độ chuyên môn vững, lại nhanh nhẹn và nhiệt huyết với nghề, cộng với khả năng nắm bắt tiếng Malaysia cũng như tiếng Anh tương đối nhanh và bài bản, chị đã lần lượt vượt qua nhiều hết khó khăn, thử thách.
Và người phụ nữ sinh năm 1962 này đã đứng vững với vị trí trợ lý, hỗ trợ các ca mổ tim của Viện cho đến nay, được các lãnh đạo và đồng nghiệp Malaysia tin tưởng và yêu mến.
Gặp chị Trang khi chị đang tất bật chuẩn bị hậu trường cho sự kiện chào mừng Ngày phụ nữ Việt Nam, chị cho biết, vừa rồi bệnh viện chị đã tiếp nhận một bệnh nhân khá đặc biệt.
Đó là một cháu bé chưa tròn một tuổi có mẹ là người Việt song bị trầm cảm đã được đưa về Việt Nam, trong khi người cha thì không rõ nơi nào.
[Hoạt động chào mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 tại Malaysia]
Cháu bị tim bẩm sinh, người luôn tím tái và thở rất mạnh. Do bị viêm phổi nên chưa thể mổ ngay. Trước hoàn cảnh của cháu, các chị em trong nhóm từ thiện người Việt đã đưa cháu vào viện của chị, một phần vì đây là cơ sở có chuyên môn cao nhất tại Malaysia, một phần cũng là do đã nghe tiếng chị từ lâu.
Chị đã nhanh chóng tiếp nhận, làm thủ tục cho cháu bé, sau đó chị đi vận động các tổ chức từ thiện tài trợ kinh phí để tiến hành phẫu thuật cho bé. Chị nói “Em ơi, nếu em nhìn thấy bé thở, sẽ thương lắm!”
Đến nay, ca mổ đã được thực hiện với sự đóng góp của các nhà hảo tâm và nhóm thiện nguyện người Việt tại Malaysia. Cháu bé đã không còn tím tái và khó thở như trước.
Đây không phải lần đầu tiên chị Trang nhiệt tình giúp đỡ các bệnh nhân nhi người Việt như vậy.
Năm 2017, bé Hoàng Mỹ Mỹ quê Hải Hậu, Nam Định cũng đã sang Malaysia để phẫu thuật tim, là bệnh nhân nhi Việt Nam đầu tiên được mổ tim không cần truyền máu.
Bố mẹ cháu còn trẻ, ngoại ngữ lại không biết. Chị Trang đã trở thành phiên dịch tự nguyện cho cặp vợ chồng này trong suốt thời gian bé điều trị tại viện. Cách đây hai tháng, cháu bé lại được đưa sang viện để phẫu thuật lần hai. Cũng lại là chị đứng ra hỗ trợ cho gia đình.
Anh Hoàng Cao Hào, bố cháu bé, đã xúc động nói “Chúng tôi mang ơn và luôn coi cô Trang như người nhà của mình.”
Cứ như thế, hàng chục bệnh nhân từ Việt Nam sang hoặc bệnh nhân là người Việt đang sinh sống và làm việc tại Malaysia đã ít nhiều nhận được sự giúp đỡ của y tá Trang.
Chị không chỉ tìm cách hỗ trợ cao nhất cho những trường hợp đặc biệt khó khăn, mà trước hết, chị là người giúp cho họ có chỗ dựa về tinh thần khi ở nơi đất khách quê người.
Điển hình nhất là trường hợp công nhân Lương Văn Nghị, sinh năm 1986, quê quán tại huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.
Trong vụ tai nạn sập cầu xảy ra ngày 30/11/2016 tại thủ đô Kuala Lumpur, anh Nghị là người bị chấn thương nặng nhất, được các bác sỹ tại Trung tâm Y tế Đại học Malaysia đánh giá là một trong những ca chấn thương nặng nhất mà họ từng gặp.
Ngoài 2 xương mảnh chòe đầu gối bị vỡ, nạn nhân còn bị đa chấn thương vùng bụng. Hầu hết các cơ quan nội tạng của nạn nhân như gan, lá lách, thận, phổi đều bị ảnh hưởng, có bộ phận bị dập nát, nhất là gan.
Bên cạnh đó, anh còn bị nhiễm trùng toàn ổ bụng, gây sốt cao kéo dài. Quá trình điều trị diễn ra hết sức phức tạp, kéo dài hơn 3 tháng trời.
Cuối cùng, như một phép thần kỳ, bệnh nhân đã hồi phục trong sự sửng sốt và niềm vui khôn xiết của gia đình và bệnh viện.
Trong suốt quá trình điều trị cho đến ngày anh Nghị được trở về, chị Trang cũng một số chị em trong Câu lạc bộ Phụ nữ người Việt tại Malaysia là những người thường xuyên có mặt và hỗ trợ.
Chỉ ít giờ sau khi biết tin, chị Trang đã có mặt tại bệnh viện. Vừa là Chủ tịch Câu lạc bộ, lại vừa có chuyên môn, chị đã trao đổi rất nhiều lần với đội ngũ bác sỹ về tính trạng sức khỏe và tiến trình điều trị cho bệnh nhân.
Mỗi lần đến thăm, chị thường ngồi khá lâu cùng bệnh nhân, kể cả khi bệnh nhân còn đang mê man, để nói chuyện, động viên, vì chị tin rằng “chắc chắn Nghị ít nhiều sẽ nghe thấy chị động viên, sẽ kiên cường hơn để vượt qua.”
Không chỉ có vậy, trước những rắc rối về mặt giấy tờ, làm visa cho vợ bệnh nhân sang chăm sóc chồng cùng hàng loạt những khó khăn khác, người nhà và bạn bè của bệnh nhân đều trao đổi và nhờ chị Trang giúp đỡ.
Ngoài ra, khi bệnh nhân đã hồi phục và được về nhà trọ nghỉ ngơi chờ ngày về Việt Nam, chị Trang còn đến tận nơi ở nhiều lần để thay băng, sát trùng. Cứ như vậy cho đến lúc bệnh nhân ra sân bay về nước.
Sau này, khi đã hoàn toàn hồi phục, anh Nghị đã gọi điện sang Malaysia, anh xin phép được xưng là con khi nói chuyện với chị, như một cách để bày tỏ lòng mình trước sự giúp đỡ của người phụ nữ đôn hậu này.
Ở Malaysia, có những phụ nữ Việt Nam hành nghề mại dâm đã lâm vào hoàn cảnh khốn cùng. Có người cởi bỏ cả quần áo đi ra đường.
Có người bị bệnh nặng một thân một mình nằm liệt giường. Hay những trường hợp sử dụng chất kích thích để rồi thần trí điên loạn, lao ra đường, lên mạng phát trực tiếp…
Những lúc ấy, chị Trang cùng một số chị em khác, thông qua các nguồn tin, lại có mặt. Dù đã sống tại Malaysia hàng chục năm, song chị không quen sử dụng thiết bị định vị, chị đi đường chủ yếu là nhờ trí nhớ và phán đoán phương hướng.
Đã nhiều lần, khi đi làm về muộn, chị lại một mình lái xe đến khu nhà trọ của cô gái bị bệnh nằm một mình để thuốc men và chăm sóc. Có lẽ, hình ảnh người chị đã đứng tuổi một mình đêm hôm đến chăm sóc và động viên đã làm ấm lòng cô gái trẻ nơi đất khách quê người.
Và cũng có thể, từ những lời chia sẻ động viên chân thành của chị, cô gái đã bước ra khỏi vũng bùn lầy.
Trong công tác cộng đồng, chị Trang cũng là một trong những cá nhân nhiệt tình và tận tụy nhất. Người phụ nữ này mặc dù rất bận với công việc tại bệnh viện, song vẫn có thể thu xếp thời gian để chỉ đạo và tham gia hầu như toàn bộ các hoạt động của cộng đồng.
Như đánh giá của Đại sứ quán Việt Nam và nhiều chị em người Việt tại Malaysia, bằng nhiệt huyết và sự tận tình, vô tư của mình, người phụ nữ giàu lòng trắc ẩn và nhân hậu này là một trong những nhân tố quan trọng góp phần gắn kết không chỉ các chị em mà còn là toàn thể cộng đồng người Việt tại đây.
Có thể một phần là do chị sống một mình nên có nhiều thời gian hơn. Nhưng trên hết, chính tấm lòng nhân hậu của người phụ nữ không may có chồng qua đời từ khi chị còn đôi mươi này mới là nhân tố quan trọng nhất làm nên một hình ảnh “chị Trang y tá” được mọi người tin yêu và cảm phục.
Chia sẻ với người viết, chị Trang nói rằng “Gặp những hoàn cảnh khó khăn, chị không thể quay mặt đi được. Thôi thì sức mình làm được đến đâu, mình sẽ cố gắng làm đến đó. Chỉ mong họ bớt khó khăn đi là mình thấy hạnh phúc rồi”./.