Người Sơn La "mừng Cơm mới" cảm tạ đất trời, cầu mùa màng tươi tốt

Lễ hội Mừng Cơm mới ở Sơn La được nhân dân lưu truyền từ đời này sang đời khác, nhằm khẳng định nét đẹp văn hóa truyền thống, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Tái hiện lại Lễ hội Pang A của đồng bào dân tộc La Ha ở bản Kẻ, xã Ngọc Chiến. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Trong hai ngày (2-3/9), xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La tổ chức Lễ hội Mừng Cơm mới năm 2023, thu hút hàng nghìn du khách và nhân dân đến tham dự.

Lễ hội Mừng Cơm mới xã Ngọc Chiến được nhân dân lưu truyền từ đời này sang đời khác, nhằm khẳng định nét đẹp văn hóa truyền thống, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến Bùi Tiến Sỹ cho biết Lễ hội năm nay có nhiều thay đổi, theo hướng khôi phục lại những giá trị truyền thống văn hóa của tổ tiên đã bị mai một theo thời gian.

Đặc biệt là phần Lễ, ngoài việc tổ chức Lễ cúng ở nhà thờ Tổ đã sân khấu hóa, tái hiện Lễ hội Pang A của đồng bào dân tộc La Ha, nghi lễ cúng vía trâu. Về phần Hội, nhiều trò chơi dân gian bị mai một cách đây 40-50 năm cũng được khôi phục lại.

Phần Lễ với nghi thức cúng Cơm mới tại nhà thờ Đon Hó, bản Mường Chiến, xã Ngọc Chiến. Thầy cúng thực hiện các nghi lễ bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên, trời đất, cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no...

Sau khi làm Lễ ở nhà thờ Tổ, các hộ dân chuẩn bị Lễ cúng Cơm mới tại gia đình. Phụ nữ trong gia đình làm cốm, nấu cơm từ gạo của vụ mới vừa thu hoạch. Đàn ông sẽ chế biến các món ăn từ lợn, gà, cá, bò, dê, ong rừng, bí ngô...

Mâm Lễ cúng được chủ gia đình bày gần bàn thờ tổ tiên. Tùy điều kiện, hoàn cảnh của từng gia đình mà mời số lượng khách đến. Kết thúc Lễ cúng, chủ nhà mời khách cùng chung vui bên chum rượu cần, chén rượu nếp sữa.

[Lai Châu: Tái hiện Lễ hội Mừng Cơm mới của đồng bào dân tộc Khơ Mú]

Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng đã tái hiện Lễ hội Pang A của đồng bào dân tộc La Ha ở bản Kẻ, xã Ngọc Chiến.

Lễ cúng Mừng Cơm mới năm 2023 tại nhà thờ Đon Hó, bản Mường Chiến, xã Ngọc Chiến. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Lễ hội Pang A được tổ chức vào tháng 3 Dương lịch hằng năm để bày tỏ lòng cảm tạ, tri ân thần linh, các thầy lang bảo vệ dân bản, cầu cho mùa màng tươi tốt, cầu sức khỏe, may mắn cho dân làng.

Lễ hội cũng là dịp để nhân dân trong bản đến giao lưu, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình, thắt chặt tình đoàn kết, cùng nhau xây dựng bản mường ấm no.

Ngay sau phần Lễ, phần Hội cũng thu hút đông đảo du khách và người dân tham gia.

Ở phần thi văn nghệ với chủ đề “Ngọc Chiến mùa Cơm mới” do các nghệ nhân và đội văn nghệ của 15 bản của xã Ngọc Chiến biểu diễn các tiết mục ca, múa, nhạc với chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương Sơn La đổi mới, tình yêu đôi lứa, cảnh sắc thiên nhiên huyện Mường La tươi đẹp, hương lúa Ngọc Chiến…

Ngoài ra, trong chương trình còn tổ chức trò chơi dân gian, gồm: Thi Hoàng tử trâu, thi làm cốm, thi Tó yến (đánh cầu), đá bóng bưởi nam, nữ, thi chọi dê, thi bắt cá… với sự tham gia của đông đảo các vận động viên nam, nữa ở nhiều độ tuổi và nhận được sự cổ vũ, động viên nhiệt tình của đông đảo khán giả.

Phần thi Hoàng tử trâu tại Lễ hội. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Chị Nguyễn Thị Diệu Trân, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ đây là lần đầu tiên chị Trân tham dự một lễ hội của đồng bào các dân tộc tại tỉnh Sơn La.

Chị Trân cảm thấy không khí rất sôi nổi, phong cảnh tại xã Ngọc Chiến rất đẹp, không khí trong lành, hơn nữa chị cũng được tham gia trải nghiệm một số trò chơi dân gian vô cùng thích thú. Đây là kỳ nghỉ lễ vô cùng ý nghĩa với chị.

Lễ hội Mừng Cơm mới xã Ngọc Chiến được xã tổ chức hằng năm vào mùa lúa chín khoảng cuối tháng Tám, đầu tháng Chín.

Lễ hội nhằm khôi phục, bảo tồn, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc khích lệ tinh thần nhân dân xây dựng đời sống văn hóa, mở rộng vùng chuyên canh lúa nếp tan.

Đồng thời, tăng cường quảng bá, giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Mường La nói chung và nhân dân xã Ngọc Chiến nói riêng. Qua đó, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến trải nghiệm, giao lưu, học hỏi, hợp tác, tìm cơ hội đầu tư, phát triển du lịch trên địa bàn xã./.

Thi làm cốm tại Lễ hội. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)
Thi đấu môn Bóng bưởi Nữ tại Lễ hội. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục