Ngày 1/1, Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản đã tổ chức lễ cầu an nhân dịp năm mới tại Chùa Nisshinkutsu ở thủ đô Tokyo.
Theo phóng viên Vietnam+ tại Nhật Bản, hơn 100 Phật tử và bà con người Việt sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản đã có mặt tại chùa từ rất sớm để cùng sửa soạn cho lễ cầu an.
Tiếng mõ và tụng kinh cho một năm mới an lành của sư cô Thích nữ Tâm Trí và các phật tử vang lên trong khuôn viên chùa Nisshinkutsu đã làm ấm lòng những người con xa xứ, khiến họ cảm thấy vơi đi nỗi nhớ nhà và như được sống trong không khí tân niên hân hoan và ngập tràn niềm vui ở quê nhà.
Lễ cầu an cũng là một dịp để bà con kiều bào hội ngộ và mang đến cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhân dịp năm mới 2014.
Bắt đầu buổi lễ, Đại lão hòa thượng Yoshimizu Daichi, trụ trì chùa Nisshinkutsu, đã gửi đến các phật tử và bà con người Việt lời chúc năm mới đại an, đại phúc.
Nhân dịp này Đại lão hòa thượng cũng vui mừng thông báo về việc thành lập Hội phật tử Việt Nam tại Nhật Bản và coi đây là cơ hội để gắn bó cộng đồng người Việt xa quê hương.
Chùa Nisshinkutsu là một ngôi chùa Nhật Bản nhưng từ lâu, ngôi chùa này đã trở thành nơi các phật tử và bà con kiều bào Việt Nam thường xuyên lui tới nhờ vai trò tích cực trong hoạt động cộng đồng và phật sự của sư cô Thích nữ Tâm Trí, tăng sinh Việt Nam hiện đang tu học tại Nhật Bản.
Trả lời phóng viên Vietnam+, sư cô Thích Tâm Trí cho biết cộng đồng phật tử người Việt ở Nhật vẫn luôn gìn giữ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong đó có việc đi lễ chùa đầu năm để cầu bình an.
Sự cô cho biết để chào đón năm mới, chùa Nisshinkutsu thường hay viết thư pháp để tặng cho các phật tử các chữ như là chữ “Bình,” chữ “An,” chữ “Kiện,” chữ “Khang,” hoặc chữ “Đại kiết,” chữ “Tâm,” chữ “Phật.”
Sư cô chia sẻ: “Tất cả các chữ chúng tôi viết hầu như đều quy về cái tâm để cầu cho yên bình và hạnh phúc. Kinh Phật dạy rằng ‘Tâm bình thì thế giới bình.’ Với tâm niệm đó, chùa Nisshinkutsu và Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật thường xuyên tổ chức các hoạt động như lễ cầu an, cứu trợ nạn nhân thiên tai để đem đến cho các phật tử người Việt cảm giác bình an trong cuộc sống.”
Chị Nguyễn Thị Thu Hồng, một du học sinh Việt Nam, cho biết những hoạt động như lễ cầu an hôm nay đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống tinh thần của nhiều người Việt xa quê.
Tuy người Nhật không đón Tết âm lịch nhưng Tết dương lịch của người Nhật cũng có nhiều nét tương đồng với Việt Nam như đi lễ chùa đầu năm, xin bùa cầu may, xin quẻ bói,… và gia đình người Nhật cũng sum họp đón năm mới.
Chị Hồng cho biết bà con người Việt thường tụ tập làm cơm giao thừa và cùng nhau ăn cơm tất niên. Ngoài ra, các đoàn thể như Hội sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản cũng tổ chức Tết Nguyên đán hàng năm cho sinh viên và người Việt. Ở đó, mọi người cùng xem văn nghệ, cùng phá cỗ, ăn bánh chưng, thưởng thức không khí Xuân do chính cộng đồng mình tạo nên.
Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam công nhận là thành viên chính thức trong năm 2013.
Trong năm qua, ngoài đạo tràng ở Tokyo, Hội cũng đã mở thêm hai đạo tràng tại Kumagaya và Hamamatsu. Năm 2014, Hội sẽ kiện toàn bộ máy nhân sự để mở rộng hoạt động nhằm tăng cường giúp đỡ cho cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản.
Bà con kiều bào đến lễ chùa Mùng 1 Tết dương lịch năm nay bao gồm nhiều thành phần khác nhau như người gốc Việt định cư, người Việt Nam công tác tại Nhật Bản, sinh viên, thực tập sinh…
Riêng trong năm 2013, số lượng người Việt tại Nhật Bản tăng lên nhanh chóng với hơn 60.000 người và con số này được cho là sẽ còn tăng mạnh trong năm 2014 trong bối cảnh mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đang ngày càng phát triển cả về bề rộng lẫn bề sâu.
Với số lượng người Việt đang tăng nhanh, nhu cầu về đời sống văn hóa tinh thần đóng một vai trò ngày càng quan trọng đối với bà con xa xứ, đặc biệt là trong những dịp Tết đến, Xuân về.
Trong dịp đầu năm mới 2014, bà con người Việt ở Nhật Bản đã có nhiều hoạt động đón tết, hướng về quê hương.
Đặc biệt, những sinh hoạt cộng đồng đầu năm như lễ cầu an tại chùa Nisshinkutsu sẽ để lại dấu ấn đậm nét trong lòng những người con xa xứ, giúp họ vững tâm hơn để sinh sống, học tập và làm ăn, mong có cơ hội được đóng góp nhiều hơn cho tổ quốc và quê hương Việt Nam./.