Nguy cơ bùng phát dịch Ebola ở các thị trấn xa xôi của Liberia

Các thị trấn nhỏ, biệt lập và không có các cơ sở y tế đang trở thành các điểm bùng phát dịch Ebola mới ở Liberia, làm hạn chế các nỗ lực dập dịch ở quốc gia Tây Phi này.
Nguy cơ bùng phát dịch Ebola ở các thị trấn xa xôi của Liberia ảnh 1Nhân viên y tế tham gia diễn tập phòng ngừa Ebola tại sân bay Tababela, thủ đô Quito, Ecuador ngày 26/10. (Nguồn: THX/TTXVN)

Các thị trấn nhỏ, biệt lập và không có các cơ sở y tế đang trở thành các điểm bùng phát dịch Ebola mới ở Liberia, làm hạn chế các nỗ lực dập dịch ở quốc gia Tây Phi này.

Nằm gần biên giới với Sierra Leone, thị trấn Jenewonde đã mất khoảng 10% dân số từ cuối tháng Chín vừa qua. Hiện các khu chợ cũng như trang trại ở đây đã bị cách ly, trong khi số người dân mắc bệnh vẫn tăng lên từng ngày. Thị trấn Gorzohn ở vùng duyên hải miền Trung Liberia hiện cũng đang là "ổ dịch" Ebola mới.

Tổ chức Thầy thuốc không biên giới cảnh báo các ổ dịch Ebola hiện không chỉ xuất hiện ở những thành phố có cơ sở y tế mà bùng phát ở các khu vực nông thôn hẻo lánh nơi phương tiện y tế thiếu thốn, thông tin bị hạn chế, việc tiếp cận cũng khó khăn.

Ngoài ra, thái độ xa lánh người bệnh cũng dẫn đến tâm lý giấu bệnh, làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch ở các khu vực này. Giới chức y tế cho biết đang xem xét thành lập các đội phản ứng nhanh gồm các chuyên gia phòng chống dịch và các nhân viên y tế tới những khu vực hẻo lánh để dập tắt dịch trước khi lây lan.

Liberia là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch Ebola với hơn 2.766 trường hợp tử vong. Sau nhiều nỗ lực, hiện các ca nhiễm mới đã bắt đầu giảm ở một số khu vực của Liberia, đặc biệt là ở thủ đô Monrovia.

Tại thủ đô La Habana của Cuba, ngày 10/11, khoảng 100 chuyên gia y tế từ 19 quốc gia đã tham dự khóa đào tạo quốc tế đầu tiên về phòng chống virus Ebola.

Khóa đào tạo kéo dài 5 ngày này được tổ chức với mục tiêu huấn luyện các nhân viên y tế, những người chữa trị trực tiếp cho các bênh nhân, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Ebola. Hầu hết các thành viên tham gia khóa đào tạo đến từ các quốc gia Mỹ Latinh, sẽ được triển khai đến vùng ổ dịch Tây Phi. Khóa đào tạo là một trong những sáng kiến được đưa ra trong cuộc họp Liên minh Bolivar cho các dân tộc châu Mỹ (ALBA).

Cuba là một trong những nước đi đầu trong việc gửi nhân viên y tế đến hỗ trợ dập dịch ở Tây Phi. Hiện 256 bác sỹ và y tá người Cuba đã được điều đến ba quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch Ebola bao gồm Guinea, Liberia và Sierra Leone.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết cơ sở khám chữa bệnh nhân nhiễm Ebola do Mỹ xây dựng tại thủ đô Monrovia của Liberia đã chính thức đi vào hoạt động.

Theo người phát ngôn Lầu Năm Góc Steven Warren, bệnh viện 25 giường với 65 nhân viên y tế này là một phần trong chương trình trị giá 30 triệu USD của Mỹ hỗ trợ Liberia đối phó với dịch bệnh Ebola.

Cơ sở chữa trị Ebola đầu tiên do Mỹ xây dựng ở thành phố Tubmanburg cũng đã hoàn thành và đang được chuyển giao cho các tổ chức phi chính phủ. Ông Warren cho biết đến cuối tuần, số nhân viên Mỹ triển khai ở Liberia giúp dập dịch sẽ lên tới 2.000 người.

Trong khi đó, tập đoàn công nghệ khổng lồ Google thông báo khởi động chiến dịch gây quỹ cho cuộc chiến chống Ebola bằng việc kêu gọi mỗi người sử dụng ủng hộ 2 USD cho các tổ chức phi lợi nhuận như Bảo vệ Trẻ em hay Thầy thuốc không biên giới đang tham gia nỗ lực ngăn chặn virus Ebola ở Tây Phi.

Tập đoàn này cho biết sẽ ủng hộ 10 triệu USD cho các tổ chức phi lợi nhuận đóng góp vào cuộc chiến chống Ebola. Quỹ gia đình của Giám đốc điều hành Google Larry Page cũng góp thêm 15 triệu USD.

Google cho biết số tiền quyên góp được sẽ được phân phối cho 4 tổ chức phi lợi nhuận chính đang hoạt động tại Tây Phi bao gồm InSTEDD, Thầy thuốc không biên giới, NetHope và Bảo vệ Trẻ em.

Trước đó, vợ chồng Giám đốc điều hành tập đoàn mạng xã hội Facebook cũng tuyên bố đóng góp 25 triệu USD cho nỗ lực dập dịch. Facebook cũng tạo thêm mục Quyên góp (Donation) trên trang mạng xã hội để người dùng ủng hộ nỗ lực chống dịch.

Ước tính, dịch Ebola đã cướp đi sinh mạng của khoảng 5.000 người, chủ yếu tại Tây Phi. Ngày 10/11, trường hợp nhiễm Ebola đầu tiên của thành phố New York, Mỹ đã được xuất viện. Bệnh nhân là một bác sỹ 33 tuổi, được cách ly từ ngày 23/10 sau khi phát hiện nhiễm virus Ebola từ vùng ổ dịch tại Guinea./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục