Nguy cơ căng thẳng thương mại giữa Mỹ-Trung Quốc tiếp tục leo thang

Ứng viên tổng thống Donald Trump đề xuất mức thuế lên đến 60% với hàng hóa từ Trung Quốc để thúc đẩy sản xuất nội địa; còn bà Harris  cũng có kế hoạch áp dụng các biện pháp thương mại cứng rắn.

Đậu nành được thu hoạch tại một nông trại ở bang Iowa, Mỹ. (Ảnh: EPA-EFE/TTXVN)
Đậu nành được thu hoạch tại một nông trại ở bang Iowa, Mỹ. (Ảnh: EPA-EFE/TTXVN)

Nguy cơ căng thẳng thương mại leo thang đang hiện hữu đối với Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu nông sản hàng đầu thế giới, khi ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump đề xuất mức thuế lên đến 60% đối với hàng hóa từ nước này để thúc đẩy sản xuất nội địa.

Đối thủ của ông Trump là bà Kamala Harris thuộc đảng Dân chủ cũng có kế hoạch áp dụng các biện pháp thương mại cứng rắn đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Kể từ khi ông Trump nắm quyền tại Nhà Trắng, Trung Quốc đã cắt giảm mạnh sự phụ thuộc vào hàng nông sản Mỹ trong nỗ lực củng cố an ninh quốc gia, bao gồm khả năng tự cung tự cấp lương thực.

Sự chuyển hướng này bắt đầu từ năm 2018, khi Trung Quốc áp thuế 25% đối với đậu tương, thịt bò, thịt lợn, lúa mỳ, ngô và cao lương nhập khẩu từ Mỹ để trả đũa các mức thuế mà chính quyền ông Trump áp đặt đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Động thái này đã dẫn đến sự thay đổi trong dòng chảy thương mại nông sản toàn cầu, bất chấp việc ông Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc lúc bấy giờ là ông Lưu Hạc đã ký một hiệp định vào tháng 1/2020, theo đó Trung Quốc cam kết tăng cường mua hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, bao gồm cả nông sản.

Trung Quốc đã giảm mua hàng Mỹ và mua thêm ngũ cốc từ Brazil, Argentina, Ukraine và Australia, ngay cả khi nước này tăng cường sản xuất trong nước.

Năm nay, tỷ lệ nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc từ Mỹ đã giảm xuống còn 18%, từ mức 40% vào năm 2016, trong khi tỷ lệ nhập khẩu từ Brazil đã tăng lên 76% từ 46%, theo dữ liệu hải quan Trung Quốc.

Đối với ngô, Brazil đã vượt qua Mỹ trở thành nhà cung cấp hàng đầu cho Trung Quốc vào năm 2023, chỉ một năm sau khi nước này phê duyệt việc mua hàng từ cường quốc nông nghiệp Nam Mỹ.

Trước những lo ngại về căng thẳng leo thang sau bầu cử, người mua Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu nông sản, bao gồm cả đậu tương và ngô của Mỹ, các thương nhân và nhà phân tích cho biết. Theo đó, nhập khẩu đậu tương, chủ yếu được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, đã tăng 8% trong 9 tháng của năm 2024.

"Trung Quốc đã thực hiện dự trữ tốt đối với hầu hết các nhu cầu của họ", một thương nhân tại một công ty thương mại quốc tế ở Singapore cho biết. Theo thương nhân này, "sẽ không có bất kỳ cú sốc cung nào ngay lập tức và điều đó sẽ cho Trung Quốc thời gian để lên kế hoạch và chuyển hướng mua hàng."

Các cuộc thăm dò cho thấy bà Harris và ông Trump đang ngang tài ngang sức trong cuộc đua vào Nhà Trắng, mặc dù ông Trump dẫn đầu ở hầu hết các bang trọng điểm về nông nghiệp. Tuy nhiên, có một sự thật là cuộc chiến thương mại lần trước là một đòn giáng vào nông dân Mỹ và đã khiến chính quyền của ông Trump phải bồi thường khoảng 23 tỷ USD, theo Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ.

Khoảng một nửa sản lượng đậu tương của Mỹ, mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Mỹ sang Trung Quốc, được vận chuyển đến nước này, chiếm 15,2 tỷ USD thương mại vào năm 2023, theo Cục Điều tra Dân số Mỹ. Giá trị thương mại xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn ổn định nhưng khối lượng lô hàng đang giảm.

Trong khi đó, giá đậu tương và ngô được giao dịch gần mức thấp nhất của bốn năm giữa bối cảnh nguồn cung thế giới dồi dào, làm dấy lên lo ngại trong giới nông dân Mỹ.

"Chúng tôi rất lo lắng. Chúng tôi không phải là nước sản xuất đậu tương duy nhất trên thế giới. Nam Mỹ đang sản xuất rất nhiều đậu tương," một nông dân trồng đậu tương ở miền bắc Illinois cho biết. "Nếu áp đặt thêm thuế quan, điều đó sẽ rất bất lợi cho tình hình của chúng tôi," người nông dân này nói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội phát biểu tại lễ khai mạc. (Ảnh: Phương Anh/TTXVN)

Hà Nội tôn vinh 36 sản phẩm công nghiệp chủ lực 2024

Thành phố sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực như cải thiện môi trường đầu tư, quảng bá, phát triển thị trường....