Nguy cơ Hy Lạp vỡ nợ đẩy chứng khoán Mỹ và châu Âu đi xuống

Nguy cơ Hy Lạp vỡ nợ và ra khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu là nguyên nhân chính khiến giá chứng khoán Mỹ và châu Âu trong ngày 15/6 đồng loạt mất điểm.
Nguy cơ Hy Lạp vỡ nợ đẩy chứng khoán Mỹ và châu Âu đi xuống ảnh 1Các nhà đầu tư tại thị trường chứng khoán New York. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nguy cơ Hy Lạp vỡ nợ và ra khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là nguyên nhân chính khiến giá chứng khoán Mỹ và châu Âu trong ngày 15/6 đồng loạt mất điểm.

Trong phiên giao dịch đầu tuần mới tại sàn giao dịch điện tử New York (Mỹ), chỉ số công nghiệp Dow Jones của 30 tập đoàn công ty lớn của Mỹ mất giá 107,67 điểm, tương đương 0,6%, xuống còn 17.791,17 điểm.

Chỉ số Standard & Poor 500 giảm 9,68 điểm, tương đương 0,5%, xuống còn 2.084,43 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq "trượt" 21,13 điểm, tương đương 0,4%, và chốt phiên giao dịch ở mức 5.029,97 điểm.

Tại châu Âu, chỉ số FTSEurofirst 300 giảm 1,6%, trong khi chỉ số Athex của Hy Lạp "trượt" hơn 5% khi chứng khoán của các ngân hàng nội địa bị bán tháo.

Các chỉ số chứng khoán tại Mỹ và châu Âu giảm điểm sau khi cuộc đàm phán giữa Hy Lạp và các chủ nợ diễn ra hai ngày trước đó thất bại, khiến giới đầu tư bán tháo cổ phiếu do lo ngại về khả năng Athens sắp rơi vào vực thẳm tài chính không thể đảo ngược.

Theo một phát ngôn viên của Liên minh châu Âu (EU), mặc dù đạt được một số tiến bộ, song cuộc đàm phán vẫn không thành công như mong đợi do các bên vẫn tồn tại những bất đồng lớn liên quan đến kế hoạch của chính quyền Athens và những yêu cầu của nhóm chủ nợ (gồm Quỹ tiền tệ quốc tế - IMF, EU và Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB).

Đổ vỡ trong đàm phán cũng đồng nghĩa với việc Hy Lạp không tránh khỏi phá sản, và phải ra khỏi Eurozone.

Trong khi đó, các số liệu sản xuất do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố cùng ngày cho thấy hoạt động sản xuất của Mỹ trong tháng Năm vừa qua không được như mong đợi. Sau khi giảm 0,5% trong tháng Tư, hoạt động sản xuất công nghiệp của Mỹ tiếp tục giảm 0,2% trong tháng Năm.

Điều này trái ngược với dự báo của các chuyên gia khi cho rằng hoạt động sản xuất công nghiệp sẽ tăng 0,2% trong tháng Năm.

Giới phân tích nhận định hoạt động sản xuất giảm chủ yếu do sức ép từ việc đồng USD tăng giá và giá dầu giảm, gây trở ngại đối với các nhà máy của Mỹ.

Hiện các nhà đầu tư đang theo dõi sát sao phiên họp sắp tới của Fed, dự kiến bắt đầu vào ngày 16/6, khi thể chế tài chính này sẽ đưa ra những thông tin cập nhật về chính sách lãi suất.

Nhiều chuyên gia dự đoán nhiều khả năng Fed sẽ bắt đầu tăng lãi suất cơ bản hiện ở mức gần bằng 0% vào tháng Chín./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục