Một số chuyên gia y tế Hàn Quốc đang thúc giục chính phủ áp đặt lại các biện pháp giãn cách xã hội ở mức độ nào đó trước khi tình hình lây nhiễm mới vượt khỏi tầm kiểm soát.
Khuyến nghị được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 do biến thể phụ BA.5 của Omicron đang gia tăng nhanh chóng, dù rằng chính phủ Hàn Quốc đã quyết định đảm bảo thêm 4.000 giường bệnh, cũng như tăng số lượng trung tâm xét nghiệm và phân phối các bộ dụng cụ tự xét nghiệm.
Số liệu của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố ngày 21/7 ghi nhận thêm 71.170 ca mắc, trong đó có 320 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca mắc lên 19.009.080 ca. Đây là ngày thứ ba liên tiếp, số ca mắc mới hàng ngày ở trên ngưỡng 70.000 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 là 24.794 ca, tỷ lệ tử vong là 0,13%.
Giới chức Hàn Quốc dự báo làn sóng dịch bệnh hiện nay sẽ đạt đến đỉnh điểm trong khoảng từ ngày 15-31/8 tới với số ca mắc hàng ngày vượt ngưỡng 300.000 ca.
KDCA dự kiến sẽ lập thêm 70 trung tâm xét nghiệm tạm thời trên cả nước, gồm 55 trung tâm ở khu vực thủ đô Seoul và mở rộng việc phân phối các bộ dụng cụ tự xét nghiệm tại các cửa hàng tiện lợi.
Cơ quan này cũng bắt buộc người lao động làm việc tại các viện dưỡng lão phải thực hiện các xét nghiệm PCR hằng tuần.
[Hàn Quốc áp dụng bổ sung các biện pháp phòng dịch giai đoạn mới]
Trả lời phỏng vấn trên Đài phát thanh CBS, Eom Joong-sik, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Gil thuộc Đại học Gachon (Hàn Quốc) nói: “Nếu xem xét kỹ các biện pháp phòng dịch của chính phủ có thể thấy rằng vẫn chưa có chiến lược nào để giảm quy mô lây lan của virus SARS-CoV-2.”
Ông lưu ý thêm rằng: “Hiện các cơ quan chức năng Hàn Quốc đã quyết định không sử dụng các biện pháp phòng dịch phủ đầu để đối phó nên virus sẽ lây lan một cách tự do. Do đó cần xem xét việc gia tăng lượng người di chuyển, tiếp xúc cũng như tỷ lệ tiêm chủng và khả năng lây lan nhanh của các biến thể phụ của Omicron.”
Phát biểu tại cuộc họp giao ban mới đây, Giám đốc KDCA Peck Kyung-ran đã tái khẳng định lập trường của bà rằng việc tái áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội không được coi là một lựa chọn tại thời điểm này.
Bà nói thêm: “Các quy định về kiểm dịch do chính phủ chỉ đạo tập trung vào việc kiểm soát là không bền vững và hiện không phù hợp với các định hướng chính sách của KDCA. Chúng tôi sẽ tăng cường nỗ lực để giảm thiểu tác động tiêu cực (của các biện pháp ứng phó với đại dịch) đối với người dân đồng thời cũng xét đến những khó khăn kinh tế đang diễn ra." Thay vào đó, KDCA sẽ thực hiện các biện pháp kiểm dịch dựa trên “quyền tự chủ” và “trách nhiệm” của từng cá nhân.
Còn ông Park Hye-kyung, một quan chức cấp cao của KDCA cho biết cơ quan này coi việc áp dụng giãn cách xã hội là biện pháp cuối cùng và sẽ được xem xét vào thời điểm quan trọng hoặc trong trường hợp xuất hiện nhiều biến thể gây tử vong hơn.
Trong khi đó, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Kim Woo-joo cho rằng Chính phủ Hàn Quốc cần tích cực vào cuộc hơn nếu muốn giảm thiểu thiệt hại cho người dân.
Ông dự đoán tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn do biến thể phụ BA.5 sẽ sớm trở thành biến thể chủ đạo ở Hàn Quốc khi gây ra 47,2% số ca mắc mới ở Hàn Quốc trong tuần thứ hai của tháng Bảy (so với 23,7% của tuần đầu tiên).
Hơn nữa, Hàn Quốc cũng đã ghi nhận sự xuất hiện của biến thể phụ mới BA.2.75 của Omicron rất dễ lây lan vào ngày 14/7 vừa qua, từ một người không có lịch sử đi nước ngoài và mới đây nhất là một người nhập cảnh từ Ấn Độ.
Biến thể phụ BA.2.75 có thêm 8 đột biến gen so với BA.2 nên có thể liên kết với các tế bào hiệu quả hơn và tránh các kháng thể được hình thành nhờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc đã bị nhiễm từ trước, có khả năng lây lan mạnh hơn so với biến thể BA.5.
Ông nói thêm: “Nếu hai chủng rất dễ lây lan này bắt đầu lây lan đồng thời, chúng ta có thể thấy sự lặp lại của làn sóng dịch bệnh thứ năm, bắt đầu với Omicron và sau đó vượt ra ngoài tầm kiểm soát do một trong những biến thể phụ khác như BA.2 (Omicron tàng hình).”
Trong đợt cao điểm của làn sóng lây nhiễm thứ năm (tháng 3/2021), số ca mắc mới hàng ngày ở Hàn Quốc đã vượt qua ngưỡng 626.000 ca./.