Len lỏi khắp nơi, từ nông thôn đến thành thị và xuất hiện ở mọi phân khúc thị trường, mọi ngành hàng. Hàng giả, hàng nhái đang là vấn nạn thách thức cho việc bảo vệ các thương hiệu uy tín của doanh nghiệp cũng như quyền lợi người tiêu dùng.
Do vậy, không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước mà chính các doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng cần chung tay phối hợp để ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn này.
Nhức nhối hàng giả
Ngày 4/9 vừa qua, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương phối hợp với lực lượng công an tỉnh tổ chức kiểm tra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn May Đăng Linh đóng trên địa bàn huyện Thanh Miện (tỉnh Hải Dương).
Quá trình kiểm tra, đoàn liên ngành đã phát hiện tại Công ty đang sản xuất, gia công các sản phẩm áo phông mang nhãn hiệu của các thương hiệu lớn, nổi tiếng như Gucci, Nike, Lacoste.
[Việt Nam đang đối mặt với nhiều lỗ hổng trong gian lận xuất xứ]
Kết luận điều tra đã xác định toàn bộ số hàng hóa được sản xuất, gia công tại công ty là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, trong đó, chỉ tính riêng số lượng hàng hóa thành phẩm đã có giá trị gần 500 triệu đồng.
Với số lượng hàng giả như trên cùng lượng lớn bán thành phẩm, máy móc, nguyên liệu bị thu giữ, Cục Quản lý thị trưởng tỉnh Hải Dương đã chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan Công an để tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự đối với doanh nghiệp này.
Mới đây nhất, ngày 29/10, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phát hiện website https://myphambo.com/ có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu Transino.
Tiến hành kiểm tra địa chỉ và địa điểm mà website đã đã đăng ký tại số 14 đường 70, xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội, Đoàn kiểm tra không thấy dấu vết của việc kinh doanh hàng hoá như đăng ký.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Đội Quản lý thị trường số 1 đã nắm bắt được địa điểm thực tế cơ sở đang dùng để kinh doanh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng nói trên tại một chung cư trên địa bàn quận Hà Đông, Hà Nội và phải mất rất nhiều thời gian, Đoàn kiểm tra mới có thể là rõ hành vi kinh doanh mỹ phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Transino của cơ sở này.
Trên đây chỉ là 2 ví dụ điển hình mà lực lượng chức năng điều tra, khám phá về những vi phạm về kinh doanh hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ.
Thực tế cho thấy, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ diễn biến ngày càng phức tạp, thủ đoạn của các đối tượng cũng tinh vi hơn, thậm chí có sự câu kết chặt chẽ của cả các đối tượng từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam để làm ăn phi pháp.
Ông Lê Thế Bảo, người từng nhiều năm giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ Thương hiệu Việt Nam (Vatap), cho biết không ngành hàng nào “vắng bóng” hàng giả, từ thông thường đến cao cấp, từ hàng tiêu dùng đến tư liệu sản xuất đều có thể bị làm giả.
“Đây là nguy cơ lớn đối với các nhà sản xuất trong nước, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư, sản xuất, ảnh hưởng đến sức khoẻ nhân dân,” ông Lê Thế Bảo nói.
Đáng lo ngại, cùng với sự bùng nổ của Internet thì Thương mại điện tử cũng trở thành công cụ để các đối tượng tung ra các chiêu trò vi phạm pháp luật.
Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, nhiều website Thương mại điện tử sử dụng các hình ảnh có thể hàng thật, hàng chính hãng để quảng cáo, chào bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với các cửa hàng, địa chỉ bán hàng chính hãng nhằm lôi kéo người tiêu dùng có nhu cầu mua sắm, sử dụng “hàng hiệu” nhưng với giá rẻ.
“Có những đối tượng duy trì thường trực hàng trăm tài khoản trên các sàn Thương mại điện tử để ngay lập tức có thể thay đổi khi bị phát hiện. Các giao dịch, thanh toán trên mạng đều bị hủy, xóa dấu vết rất nhanh, không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, không thể kiểm tra được ngay,” ông Trần Hữu Linh nói về những hành vi gian lận, vi phạm pháp luật.
Thống kê của Bộ Công Thương trong 9 tháng đầu năm 2020 cho thấy, riêng lực lượng quản lý thị trường đã thực hiện kiểm tra 2.403 vụ việc, xử lý 2.213 vụ việc vi phạm với số tiền xử phạt trên 16 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm gần 41 tỷ đồng.
- Số vụ xử lý liên quan đến hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ của Ban chỉ đạo 389 Hà Nội trong tháng 11/2020:
Trong đó, các cơ quan chức năng đã xử lý cả những hành vi vi phạm về thương mại điện tử và các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả.
Hoàn thiện các khung pháp lý
Có thể thấy, với một nền kinh tế đang trong quá trình hội nhập sâu như nước ta, bên cạnh những thuận lợi về trao đổi thương mại thì vấn nạn hàng giả, hàng nhái cũng là một thách thức không nhỏ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, đi cùng với kinh tế thị trường, trong bối cảnh Việt Nam đang mở cửa sâu rộng với thế giới cũng làm gia tăng các hoạt động buôn lậu và buôn bán hàng giả do lợi nhuận thu được rất cao.
Do đó, để khắc phục những bất cập này, ông đề nghị tăng cường hơn nữa vai trò lực lượng chức năng ngay từ biên giới nhằm ngăn ngừa hàng hóa bất hợp pháp có thể thẩm lậu vào trong nước.
Cùng với đó, các lực lượng khác như: Quản lý thị trường, công an, thuế… tập trung quyết liệt vào công tác đấu tranh chống các hành vi gian lận tại thị trường nội địa, không để hình thành các đường dây, ổ nhóm lớn gây bất ổn thị trường.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường bám sát địa bàn, đưa ra những phương thức mới trong hoạt động quản lý thị trường để đảm bảo được hiệu quả trong đấu tranh chống buôn lậu và chống gian lận thương mại cũng như nạn hàng giả.
Bộ Công Thương cũng đang hoàn thiện Nghị định 52/CP sửa đổi để trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới. Đây được coi là giải pháp căn cơ giúp đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, không để thương mại điện tử bị lợi dụng thành phương thức thực hiện các hành vi mua bán, lưu thông hàng hóa vi phạm pháp luật.
Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý Thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), khi đã được các cơ quan chức năng thông báo, nếu các gian hàng kinh doanh trên thương mại điện tử không hợp tác, không có biện pháp xử lý ngăn chặn các gian lận, hàng giả, hàng cấm và vi phạm bản quyền sẽ bị xử phạt tới 40 triệu đồng.
Thậm chí, với các trường hợp tái phạm nhiều lần, không phối hợp với các cơ quan quản lý có thể sẽ bị thu hồi giấy phép, dừng tên miền.
Cùng với đó, các chế tài đã ban hành đủ mạnh như Nghị đinh 98/CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ là công cụ đảm bảo tính răn đe đấu tranh và ngăn chặn gian lận thương mại trên môi trường điện tử.
Về phía doanh nghiệp, ông Lê Thế Bảo cũng đề nghị các doanh nghiệp trong nước cần tiếp tục đầu tư công nghệ, giảm giá thành sản phẩm, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân, nhất là cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… để từng bước đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng nhái hiện nay.
Trong nhiều năm qua, công tác chống hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ là lĩnh vực luôn được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm.
Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ đã lấy ngày 29/11 hằng năm là “Ngày Phòng chống hàng giả, hàng nhái” nhằm nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp đối với công tác này.
Việc kỷ niệm “Ngày Phòng chống hàng giả, hàng nhái” cũng là dịp để các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp và người tiêu dùng nhìn nhận và đánh giá lại quá trình thực thi bảo vệ hàng hóa, sản phẩm uy tín của doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng.
Đây còn là dịp tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc đấu tranh phòng, chống nạn hàng giả, hàng nhái, đồng thời xây dựng chương trình hành động, có biện pháp cụ thể, thiết thực để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái, góp phần bình ổn thị trường và nâng cao uy tín của hàng hóa Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế./.