Nhà báo Indonesia đề cao chính sách 'ngoại giao cây tre' của Việt Nam

Nhà báo Indonesia cho rằng với chính sách "ngoại giao cây tre," Việt Nam đã thành công trong việc duy trì mối quan hệ thực tế với các cường quốc trong khi vẫn đảm bảo các lợi ích quốc gia.
Nhà báo Indonesia đề cao chính sách 'ngoại giao cây tre' của Việt Nam ảnh 1Quang cảnh buổi điện đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Indonesia năm 2022. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Trong bài viết mới nhan đề “Ngoại giao cây tre và động lực mới cho Đối tác Chiến lược Việt Nam-Indonesia," Nhà báo Veeramalla Anjaiah, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) và là cựu biên tập viên cao cấp Báo Jakarta Post, đã đề cao ý nghĩa chính sách "ngoại giao cây tre" của Việt Nam.

Nhà báo Veeramalla Anjaiah cho rằng với chính sách "ngoại giao cây tre," Việt Nam đã thành công trong việc duy trì mối quan hệ thực tế với các cường quốc trong khi vẫn đảm bảo các lợi ích quốc gia.

Trong bài viết, Nhà báo Veeramalla Anjaiah cho biết cây tre giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử, văn hóa và đời sống hằng ngày của người dân Việt Nam, tượng trưng cho sức mạnh, sự linh hoạt và kiên cường, với đặc điểm là cội rễ bền chặt và cành cây dẻo dai. Việc Việt Nam quyết tâm theo đuổi chính sách đối ngoại dựa trên những đặc điểm này, với tên gọi là “ngoại giao cây tre," được coi là cách thức xử lý và ứng phó trước những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

Nhà báo Anjaiah nêu rõ gốc rễ mạnh mẽ là những nguyên tắc chỉ đạo cốt lõi của "ngoại giao cây tre" Việt Nam, chẳng hạn như lợi ích quốc gia, độc lập, tự chủ, đa dạng hóa và đa phương hóa các quan hệ đối ngoại. Những nguyên tắc này ăn sâu vào tư tưởng ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là nền tảng cho đường lối đối ngoại của đất nước.

Theo ông, bằng cách hiểu khái niệm "ngoại giao cây tre," bất kỳ ai cũng có thể có được những hiểu biết có giá trị về các yếu tố tạo nên thành công của Việt Nam. Ngoại giao cây tre không chỉ là cách xử lý và ứng phó trước sự thay đổi mà còn là cách thức thúc đẩy văn hóa, bản sắc và quan hệ kinh tế của Việt Nam với các đối tác chiến lược và toàn diện. Đường lối này được đặc trưng bởi sự độc lập, tích cực và cam kết không can thiệp, nhấn mạnh rằng Việt Nam có thể được tin tưởng để duy trì các giá trị và nguyên tắc của mình ngay cả trong bối cảnh địa chính trị phức tạp và luôn thay đổi.

Ông Anjaiah lưu ý rằng Việt Nam đã ưu tiên hội nhập quốc tế kể từ công cuộc Đổi mới được phát động năm 1986, với việc xác định lại bản sắc văn hóa và ngoại giao, trong đó tư tưởng Hồ Chí Minh và chính sách "ngoại giao cây tre" được đặt lên hàng đầu.

Các bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được khai thác để tiếp thu những hiểu biết sâu sắc về ngoại giao, trong đó điểm nhấn là việc gắn kết chính sách "ngoại giao cây tre" với các mối quan hệ hài hòa, chủ nghĩa nhân đạo, sự linh hoạt, tự lực và độc lập dân tộc.

[Chính trị gia Pháp đánh giá cao chính sách ngoại giao Việt Nam]

Nhà báo nổi tiếng người Indonesia nhấn mạnh Việt Nam là "ngôi sao" đang lên của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, là một quốc gia chiến lược ở Đông Nam Á, có ảnh hưởng ngoại giao lớn trong khu vực.

Việt Nam hiện là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức và diễn đàn quốc tế quan trọng như Liên hợp quốc, ASEAN, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, một nước bị bao vây cấm vận, Việt Nam ngày nay đã trở thành một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với sự kết nối kinh tế rộng lớn và sâu rộng; đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 3 FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn rất cao và tham gia mạng lưới liên kết kinh tế rộng khắp với các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Nếu cách đây 30 năm, Việt Nam chỉ có quan hệ kinh tế, thương mại với khoảng 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, thì ngày nay con số này là khoảng 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng kim ngạch trao đổi thương mại năm 2022 đạt hơn 600 tỷ USD, gấp khoảng 120 lần so với những năm đầu sau khi triển khai Đổi mới.

Nhà báo Indonesia đề cao chính sách 'ngoại giao cây tre' của Việt Nam ảnh 2Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại Labuan Bajo. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Đề cập đến quan hệ Việt Nam-Indonesia, ông Anjaiah cho biết mối quan hệ song phương đã có từ trước năm 1945. Cả hai nước không chỉ chia sẻ khó khăn và quyết tâm giành thắng lợi trong các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc mà còn hỗ trợ nhau cải thiện đời sống nhân dân. Indonesia cũng là nước đầu tiên ở Đông Nam Á thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Kể từ khi chính thức được thiết lập vào ngày 30/12/1955, quan hệ song phương và hợp tác nhiều mặt giữa Indonesia và Việt Nam đã được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp và phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến Indonesia trong chuyến thăm kéo dài 10 ngày vào tháng 2/1959.

Năm 2013, quan hệ Indonesia-Việt Nam đã được nâng cấp lên tầm đối tác chiến lược. Tại cuộc điện đàm với Tổng thống Joko Widodo ngày 25/8/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề xuất hai nước tăng cường quan hệ đảng, sự hiểu biết lẫn nhau và tin cậy chính trị thông qua các cuộc gặp cấp cao.

Mới đây nhất, tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã đến thị trấn Labuan Bajo của Indonesia để tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42. Tại cuộc gặp song phương bên lề hội nghị giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Joko Widodo, hai bên đã nhất trí phát huy hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó giữa hai nước, tạo đà cho quan hệ đối tác chiến lược vươn lên tầm cao mới.

Cuối cùng, Nhà báo Anjaiah cho rằng thông qua chính sách "ngoại giao cây tre" và tiềm năng kinh tế của mình, Việt Nam cần đảm bảo đủ linh hoạt, kiên cường và khả năng thích ứng để duy trì quyền tự chủ chiến lược, quan hệ đối tác tốt đẹp và quan hệ lành mạnh với tất cả các quốc gia. Trong bối cảnh đó, mối quan hệ Việt Nam-Indonesia dự kiến sẽ phát triển lên tầm cao hơn nữa trong những năm tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục