Nhà báo Nguyễn Đức Lợi: 'Khoan sức' cho báo chí để tạo đà phát triển

Trong bối cảnh kinh tế báo chí ngày càng gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc tìm một lối thoát căn cơ, bền vững cho kinh tế báo chí là điều Hội Nhà báo Việt Nam trăn trở.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi, Trưởng Ban tổ chức Hội báo toàn quốc 2022 cùng các đại biểu tham quan triển lãm ‘Những nẻo đường xuân.’ (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi, Trưởng Ban tổ chức Hội báo toàn quốc 2022 cùng các đại biểu tham quan triển lãm ‘Những nẻo đường xuân.’ (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Hội báo toàn quốc 2022 vừa qua đã hoàn thành nhiệm vụ "tổng động viên" tinh thần những người làm báo cả nước. Các cơ quan báo chí đã xác định phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba để việc triển khai Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam vào hoạt động thực tiễn đạt hiệu quả cao nhất.

Nhân kỷ niệm 72 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ với độc giả báo VietnamPlus khí thế và khát vọng của báo chí Việt Nam để thực hiện chủ trương "đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn."

Dư âm ngày hội

- Thưa ông, ông có đánh giá như thế nào về thành công và hiệu quả của Hội báo toàn quốc 2022 trong công tác tuyên truyền và tiếp cận độc giả, khán giả?

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi: Có thể khẳng định Hội báo toàn quốc 2022 đã thành công tốt đẹp. Trở lại sau 2 năm gián đoạn vì dịch COVID-19, Hội báo năm nay đã đảm bảo yếu tố an toàn, thiết thực, tiết kiệm và hiệu quả với nhiều hoạt động nghiệp vụ trọng tâm, thu hút sự tham gia nhiệt tình của 106 đơn vị đến từ các cấp Hội, các Liên chi hội, chi hội ở Trung ương, các Hội địa phương; cơ sở đào tạo báo chí; thực sự là cuộc hội tụ văn hóa tinh thần đặc sắc của những người làm báo trong cả nước.

Hội báo đã thu hút hàng nghìn lượt người xem đã đến tham quan, đọc báo, tương tác, giao lưu với những người làm báo, tăng thêm sự gần gũi giữa báo chí với công chúng, giữa người làm báo với bạn đọc, bạn xem truyền hình, bạn nghe đài.

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi: 'Khoan sức' cho báo chí để tạo đà phát triển ảnh 1Khu vực trưng bày của Báo Tài nguyên Môi trường tại Hội báo Toàn quốc 2022. (Ảnh: TTXVN)

- Ông có thể lấy ví dụ một vài đơn vị có cách trưng bày hiệu quả, sáng tạo, hấp dẫn, thu hút người xem?

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi: Một dấu ấn lớn từ Hội báo Toàn quốc 2022 đó là sắc thái rất mới mẻ, chuyên nghiệp và hiện đại từ thiết kế chung của Hội báo cho đến những thiết kế gian hàng.

Đơn cử như gian trưng bày của Thông tấn xã Việt Nam với thông điệp “Nguồn tin chính thống, đa phương tiện,” được thiết kế rất hiện đại và hấp dẫn. Gian trưng bày của Đài Truyền hình Việt Nam bám sát chủ đề của Hội báo năm nay với 3 từ khoá: Chuyên nghiệp, Hiện đại, Nhân văn. Gian trưng bày của Đài Tiếng nói Việt Nam và báo Thanh Niên cũng có nhiều hoạt động bên lề thu hút độc giả…

Gian trưng bày của Cổng thông tin điện tử Chính phủ khá ấn tượng với thiết kế hiện đại với những hình ảnh động, video thông tin đậm nét về những hoạt động của Chính phủ. Khách tham quan chỉ cần dùng điện thoại, check mã QR trực tiếp trên màn hình là có thể truy cập vào ngay trang báo điện tử Chính phủ và các trang tin thành phần, điều này khiến khách tham quan khu trưng bày hết sức thích thú. Đây chính là một hình thức áp dụng chuyển đổi số vào hoạt động báo chí.

Tất cả cho thấy nỗ lực làm mới mình để tạo dấu ấn riêng của các đơn vị báo chí tham gia Hội báo.

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi: 'Khoan sức' cho báo chí để tạo đà phát triển ảnh 2Đại biểu tham quan gian trưng bày của Thông tấn xã Việt Nam. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

- Theo đánh giá của ông, Hội báo có điều gì cần cải thiện, sửa đổi trong những lần tổ chức sau?

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi: Hội báo Toàn quốc 2022 được tổ chức hết sức gấp rút, là nỗ lực lớn của Ban Tổ chức cũng như các cơ quan báo chí, các hội nhà báo địa phương tham gia. Bên cạnh những thành công, tất nhiên vẫn còn không ít những tồn tại cần phải được rút ra bài học kinh nghiệm để cải thiện, sửa đổi trong những lần tổ chức sau.

Hội báo trước hết là một ngày hội văn hóa văn hóa tinh thần-nghề nghiệp của những người làm báo cả nước. Vì thế, bên cạnh phần lễ, phần hội chắc chắn sẽ tiếp tục được củng cố thêm với nhiều hoạt động văn hóa tinh thần, nhiều hoạt động nghiệp vụ đặc sắc và chuyên sâu hơn nữa diễn ra trong khuôn khổ Hội báo.

Công tác tổ chức, tuyên truyền Hội báo cũng sẽ phải được tiến hành bài bản hơn nữa để có thể thu hút nhiều hơn nữa sự quan tâm, theo dõi, tham gia của cả giới báo chí và công chúng. Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ, số hóa vào các gian trưng bày, giới thiệu các ấn phẩm báo chí sẽ phải được tiến hành mạnh mẽ hơn nữa, có như vậy mới thực sự tạo nên sức thu hút của một ngày hội lớn như Hội báo Toàn quốc.

Tìm giải pháp căn cơ

- Sau những khó khăn do dịch bệnh gây ra, năm 2022 được xem là thời điểm Hội Nhà báo Việt Nam có thể triển khai tích cực các nhiệm vụ được đặt ra trong nhiệm kỳ 2020-2025, vậy Ban chấp hành có phương hướng hoạt động tập trung vào những vấn đề gì, thưa ông?

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi: Hai năm đại dịch diễn biến phức tạp không tránh khỏi những trì trệ, nhiều công việc dang dở, ngổn ngang cùng những tác động tiêu cực đến đời sống báo chí. Tuy nhiên, thời điểm này, khi bước vào giai đoạn bình thường mới, chúng tôi xác định phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba để việc triển khai Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam vào hoạt động thực tiễn đạt hiệu quả cao nhất. Tinh thần “Báo chí Việt Nam đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn” sẽ là chủ trương nhất quán của nhiệm kỳ này.

Theo đó, chúng tôi đẩy mạnh công tác kết nạp hội viên mới, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định; tăng cường quản lý hội viên; thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm người làm báo vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp; quan tâm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên, nhất là trong quá trình tác nghiệp báo chí…

Một trong những công việc trọng tâm phải triển khai mạnh mẽ hơn đó là tiếp tục phối hợp giữa Hội Nhà báo các cấp với cơ quan báo chí các địa phương trong trao đổi thông tin, kỹ năng làm báo hiện đại; sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm giúp các cơ quan báo chí các địa phương trong ứng dụng công nghệ làm báo hiện đại, nâng cao chất lượng các sản phẩm báo chí, vượt qua sự cạnh tranh của mạng xã hội và nhiều kênh thông tin như hiện nay… Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ trong giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ những người làm báo tham gia môi trường tác nghiệp nhiều thách thức.

Thêm vào đó, Hội đã đang và tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các cuộc hội thảo, lớp tập huấn, xây dựng các chính sách đề nghị Chính phủ hỗ trợ báo chí thực hiện tốt chuyển đổi số. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tham gia lên tiếng, đóng góp ý kiến, tham mưu xung quanh các vấn đề của Luật báo chí, tạo hành lang pháp lý một cách thuận lợi cho báo chí phát triển.

[Hội Báo 2022: Ngày hội tôn vinh sự phát triển của Báo chí Việt Nam]

- Vừa qua, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam nêu quan điểm: Tăng nguồn thu từ độc giả mới là căn cơ, bền vững chứ không phải là tăng doanh thu quảng cáo. Vậy theo ông, làm thế nào để độc giả trả tiền để đọc báo điện tử như mua báo in?

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi: Trong bối cảnh kinh tế báo chí ngày càng gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc tìm một lối thoát căn cơ, bền vững cho kinh tế báo chí là điều chúng tôi hết sức trăn trở. Đích đến của của một nền báo chí cách mạng luôn luôn là cho độc giả, vì độc giả, hướng tới độc giả bởi vậy, tăng nguồn thu từ độc giả cũng chính là giải pháp mà chúng tôi cho là bền vững nhất, vừa giúp báo chí tạo nguồn thu vừa giúp báo chí lại gần hơn với độc giả.

Muốn thu phí được từ độc giả, trước hết phải coi độc giả là khách hàng mà muốn khách hàng trả tiền, báo chí phải tạo nên những sản phẩm báo chí chất lượng cao, hấp dẫn. Để làm được điều này, đòi hỏi các cơ quan báo chí nỗ lực sáng tạo và bền gan vững tâm, bởi thay đổi thói quen đọc báo miễn phí bấy lâu của độc giả chưa bao giờ là điều dễ dàng.

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi: 'Khoan sức' cho báo chí để tạo đà phát triển ảnh 3Trang tin có thu phí của báo điện tử VietnamPlus. (Ảnh chụp màn hình)

- Một trong những khó khăn khi làm báo điện tử là bản quyền tác phẩm báo chí. Câu chuyện này đã được nhắc đến nhiều nhưng chưa có giải pháp triệt để. Ông có suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi: Nói đến câu chuyện thu phí báo điện tử, lẽ đương nhiên là phải tìm ra được giải pháp cho vấn đề bản quyền tác phẩm báo chí. Đúng là câu chuyện này đã được nhắc đến nhiều nhưng chưa có giải pháp triệt để, vì thế, tôi cho rằng, chúng ta cần có giải pháp thực sự quyết liệt hơn nữa, những chế tài mạnh hơn nữa.

Trước hết chính các tờ báo, các tạp chí, trang tin phải cam kết không “xào xáo” tác phẩm của nhau, không ngại phát hiện, lưu vết, đối chiếu quy định pháp luật và gửi lên cơ quan quản lý nhà nước để xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, nhất thiết phải phải có những bộ lọc công nghệ để các đơn vị báo chí sử dụng, dựa vào đó nhanh chóng phát hiện, lưu vết và chuyển cơ quan chức năng xử lý. Dĩ nhiên, như tôi nói, chế tài xử lý phải mạnh, đủ sức răn đe. Thậm chí, tôi đồng ý với nhiều ý kiến chuyên gia khi cho rằng có thể xử lý hình sự những vụ việc vi phạm bản quyền nghiêm trọng.

- Ông đánh giá các cơ quan báo chí còn những khó khăn gì để tăng nguồn thu trong thị trường thông tin đầy cạnh tranh này? Hội Nhà báo Việt Nam có vai trò như thế nào trong việc hỗ trợ các cơ quan báo chí?

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi: Ngoài câu chuyện thu phí, báo chí Việt Nam lâu nay chỉ dựa vào 3 nguồn thu chủ yếu là phát hành, bán sản phẩm; đăng tải quảng cáo và tổ chức sự kiện, cung ứng các dịch vụ xã hội, trong đó, nguồn thu lớn nhất từ đăng tải quảng cáo.

Tuy nhiên, dịch bệnh với những hệ lụy tới đời sống doanh nghiệp sẽ khiến nguồn thu từ quảng cáo sụt giảm. Bên cạnh đó, báo chí đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nền tảng xuyên biên giới, mạng xã hội. Vì thế, khó khăn với các cơ quan báo chí là rất lớn. Tăng nguồn thu cho các cơ quan báo chí vì lẽ đó là một bài toán không đơn giản.

Với vai trò, trách nhiệm của mình, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ cùng các ban ngành liên quan, tìm giải pháp gỡ khó cho báo chí, trong đó tôi cho rằng, trọng tâm sẽ là việc cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ cho báo chí như: Miễn giảm thuế, phát hành phí; hỗ trợ kinh phí thuê nhà xưởng; trợ giá in ấn, truyền dẫn, phát sóng, đăng tải; đặt hàng mua các sản phẩm báo chí truyền thông chính sách...

Một chính sách thuế hợp lý để “khoan sức” cho báo chí có lẽ sẽ là giải pháp tối ưu trong bối cảnh hiện nay.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục