Nhà báo Nguyễn Đức Lợi: ‘Không thông tin nào quý bằng sinh mạng’

Dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức và cả những cám dỗ, nhưng nhiều nhà báo vẫn nêu cao tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt huyết và đam mê nghề nghiệp để có những tác phẩm hay.
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi: ‘Không thông tin nào quý bằng sinh mạng’ ảnh 1Những người làm báo vẫn can trường dấn thân vào những điểm nóng, phản ánh những vấn đề gai góc trong xã hội. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Liên quan đến vụ phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội bị hành hung khi đang tác nghiệp, cơ quan chức năng đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, tạo dựng lòng tin với nhân dân và những người làm báo.

Những nắm đấm đã vung lên về phía các nhà báo. Những “áp lực mềm” đã đe dọa, tấn công họ và gia đình họ. Song, những người làm báo vẫn can trường dấn thân vào những “điểm nóng,” phản ánh những vấn đề gai góc trong xã hội, vì một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023), Báo Điện tử VietnamPlus có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam về vai trò của hội trong việc bảo vệ quyền lợi cho các nhà báo cùng những biện pháp đảm bảo an toàn khi tác nghiệp.

‘Không đánh đổi tính mạng để lấy tin’

- Hoạt động báo chí ngày càng nhiều thách thức, độc giả yêu cầu ngày càng cao, phải chăng đó là lý do đòi hỏi phóng viên dấn thân vào những đề tài gai góc hơn, đồng nghĩa với việc nguy hiểm tăng lên, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Lợi: Nghề báo là nghề rất đáng tự hào và trân trọng. Dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhọc nhằn, gian khổ và cả những cám dỗ, nhưng nhiều nhà báo vẫn nêu cao tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt huyết và đam mê nghề nghiệp để có những tác phẩm hay, chất lượng, có ý nghĩa cho xã hội, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và phụng sự nhân dân.

Báo chí là một trong những lực lượng đi đầu trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Sự dấn thân các nhà báo đã thể hiện rất rõ nét trong các tác phẩm báo chí, đặc biệt là các tác phẩm báo chí về thể loại phóng sự điều tra.

[Báo chí tiếp tục đổi mới, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng]

Tuy nhiên, tôi vẫn luôn nhắc nhở anh em báo chí phải đảm bảo an toàn thân thể, an toàn tính mạng trong khi tác nghiệp. Chúng ta không đánh đổi tính mạng của phóng viên để lấy bất cứ một thông tin, một bài báo, một bức ảnh, một khuôn hình nào. Không có bất cứ thông tin nào quý giá bằng sinh mạng.

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi: ‘Không thông tin nào quý bằng sinh mạng’ ảnh 2Nhà báo Nguyễn Đức Lợi khằng định rằng báo chí là một trong những lực lượng đi đầu trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

- Thưa ông, Giải Báo chí quốc gia hàng năm diễn ra đúng Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam là sự vinh danh lớn lao đối với người làm báo. Tinh thần dấn thân, không ngại hiểm nguy, đụng chạm với các nhóm lợi ích trong xã hội của phóng viên được thể hiện như thế nào trong mùa giải năm nay?

Ông Nguyễn Đức Lợi: Để có được những thông tin hình ảnh và tạo ra được sản phẩm chất lượng, các phóng viên đã vượt khó, không ngại gian khổ, thậm chí không ngại nguy hiểm tính mạng, vượt qua áp lực về tinh thần, những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh... Giải Báo chí quốc gia lần thứ 17-năm 2022 có nhiều tác phẩm thể hiện rõ tinh thần này và được trao giải cao.

Nhiều phóng viên đi vào các vấn đề gai góc trong xã hội, đề cập đến những vấn đề nội dung nhạy cảm trong đời sống xã hội, điều này thể hiện rõ trong nhiều tác phẩm. Có những tác phẩm đi vào các vấn đề tiêu cực trong xã hội, ở đó có cả những cơ quan quyền lực, có những cán bộ, những con người có địa vị… đó chính là những gian nan trong hành trình dấn thân của người làm báo.

Lan tỏa báo chí nhân văn

- Thưa ông, Hội Nhà báo Việt Nam có vai trò như thế nào trong việc bảo vệ quyền lợi của phóng viên khi họ bị hành hung, đe dọa?

Ông Nguyễn Đức Lợi: Để bảo vệ quyền tác nghiệp của nhà báo đồng thời cảnh báo, răn đe các đối tượng cản trở, uy hiếp nhà báo khi tác nghiệp, hệ thống chế tài đã được xây dựng khá hoàn chỉnh với nhiều biện pháp, bao gồm cả hình sự, dân sự và xử lý hành chính. Cụ thể, Luật Báo chí quy định “không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà báo; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.”

Căn cứ trên cơ sở đó, Hội Nhà báo Việt Nam luôn vào cuộc can thiệp kịp thời để bảo vệ quyền lợi của hội viên, nhà báo. Khi nhận được thông tin phóng viên bị hành hung, ngay lập tức, chúng tôi gửi công văn đến các cơ quan chức năng, cơ quan điều tra, lực lượng an ninh để có những biện pháp bảo vệ an toàn cho phóng viên và người thân, sau đó thì phối hợp tìm giải pháp căn cơ hơn để đảm bảo điều kiện tác nghiệp

Hội phản ứng rất nhanh và kịp thời, có những vụ việc, chúng tôi gửi văn bản thông báo cho cơ quan chức năng chỉ sau một tiếng đồng hồ kể từ khi phóng viên bị hành hung. Kết quả là công an vào cuộc ngay và có biện pháp xử lý các đối tượng manh động, xâm phạm đến sự an toàn của phóng viên, vi phạm Luật Báo chí.

- Ông có lời khuyên nào dành cho các phóng viên để có các tác phẩm phóng sự tốt mà vẫn đảm bảo an toàn cho bản thân?

Ông Nguyễn Đức Lợi: Ngoài sự bảo vệ của cơ quan chức năng và Hội Nhà báo Việt Nam, các phóng viên phải biết tự bảo vệ mình khi tác nghiệp, phải trang bị cho mình những kỹ năng làm báo, nhất là trong tình huống nguy hiểm như khi thực hiện các phóng sự điều tra, khi tác nghiệp trong điều kiện có nhiều rủi ro như thiên tai, cháy nổ.

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi: ‘Không thông tin nào quý bằng sinh mạng’ ảnh 3Nhiều phóng viên đi vào các vấn đề gai góc trong xã hội, đề cập đến những vấn đề nội dung nhạy cảm trong đời sống xã hội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Phóng viên cũng phải trang bị cho mình những kiến thức về pháp luật để không vô tình vi phạm pháp luật.

Mỗi nhà báo cũng phải sẵn sàng tự vệ trước những rủi ro có thể xảy ra khi tác nghiệp, đặc biệt là nâng cao kỹ năng xử lý tình huống bất ngờ ở những địa bàn, vụ việc “nóng”, nhạy cảm. Với những vụ việc nổi cộm, nhà báo cần chủ động kế hoạch tác nghiệp, có sự chỉ đạo sát sao từ cơ quan chủ quản. Khi nhận thấy dấu hiệu hoặc nguy cơ bị đe dọa, cần thông báo với chính quyền địa phương và cơ quan công an để có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời.

- Trong khi nhiều phóng viên bất chấp nguy hiểm, dấn thân vào các đề tài gai góc thì có một bộ phận lại vi phạm đạo đức báo chí, bị xử phạt. Vậy, công tác bồi dưỡng, trau dồi nghiệp vụ, bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp phóng viên, nhà báo được hội chú trọng như thế nào?

Ông Nguyễn Đức Lợi: Công tác kiểm tra, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên và xử lý các trường hợp vi phạm 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam luôn được lãnh đạo Hội coi trọng và thường xuyên đốc thúc.

Bản thân tôi cũng như các đồng chí lãnh đạo các cấp Hội luôn nhận thức rõ trách nhiệm của mình, đều mong muốn và tâm huyết xây dựng một đội ngũ nhà báo, hội viên bám sát và trưởng thành trong chính thực tiễn sinh động, có khả năng phản ánh, khai thác sâu sắc từng hơi thở, nhịp đập của cuộc sống, định hướng được dư luận, tạo được sự đồng thuận xã hội, từ đó củng cố và tạo dựng được sức mạnh niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Hội Nhà báo Việt Nam xác định rằng tiên phong trong công tác bồi dưỡng và xây dựng bản lĩnh chính trị cho các nhà báo, hội viên, tạo lập được không gian văn hóa trong hoạt động báo chí chính là cách để chúng ta có thể "chấn chỉnh" được những biểu hiện "lệch chuẩn" về đạo đức nghề nghiệp và nhân lên những giá trị nhân văn trong hoạt động báo chí.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân:

Các nhà báo luôn xông xáo khắp nơi, như người chiến sỹ xung kích trên mặt trận tư tưởng. Những vụ đe dọa, hành hung, gây nguy hiểm cho phóng viên đã từng xảy ra và mới đây lại rộ lên khiến dư luận quan tâm.

Tôi cho rằng giải pháp trước hết là những người làm báo phải trang bị kiến thức toàn diện, nắm rõ quy định pháp luật để chủ động đối phó với những tình huống xảy ra, tự bảo vệ mình khi bị xâm phạm thân thể đồng thời không vi phạm Luật Báo chí khi tác nghiệp.

Thứ hai, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ các nhà báo cần phải được tăng cường, cần có biện pháp nghiêm khắc hơn.

Sau cùng, các cơ quan phải phối hợp nâng cao ý thức xã hội, để dư luận hiểu được những khó khăn, nguy hiểm của các nhà báo trong quá trình đấu tranh chống tiêu cực, từ đó, dư luận sẽ lên án những hành vi xấu, ngăn cản nhà báo tác nghiệp.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TGS (Đoàn Luật sư thành Phố Hà Nội):

Luật Báo chí 2016 đã thể hiện rõ việc bảo đảm quyền tác nghiệp của nhà báo, phóng viên, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc cung cấp thông tin cho báo chí, quyền hành nghề của nhà báo, không ai được xâm hại đến hoạt động tác nghiệp đúng pháp luật của nhà báo. Khoản 12 Điều 9 Luật báo chí 2016 quy định về các hành vi bị cấm: "Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật."

Mức xử phạt đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên là phạt tiền từ 10.000.000 - 30.000.000 đồng. Trường hợp cá nhân có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp thì cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 - 70.000.000 đồng. Đối với trường hợp đối tượng vi phạm có hành vi dùng lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Trong trường hợp có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017, “Tội gây rối trật tự công cộng” theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự hiện hành.

Để bảo vệ quyền, lợi ích của mình, phóng viên/nhà báo khi đứng trước tình trạng bị hành hung khi tác nghiệp cần nhanh chóng kịp thời tố cáo, tố giác hành vi của người đó với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan, tổ chức khác.

Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố cáo, tố giác.

Trường hợp tố cáo, tố giác bằng đơn thì nội dung của đơn trình báo, bao gồm các nội dung cơ bản như: Họ và tên người trình báo, ngày tháng năm sinh, số Chứng minh nhân dân, Hộ khẩu thường trú, nội dung chi tiết vụ việc. Ngoài ra, các nhà báo có thể gửi kèm theo các chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm pháp luật, hành hung của các đối tượng.

Đây là cơ sở để áp dụng các thủ tục pháp lý cần thiết như điều tra để xác minh tính chất nguy hiểm của hành vi vi phạm pháp luật; trưng cầu giám định tư pháp để xác định mức độ thiệt hại đối với cơ thể do hành vi gây thương tích gây ra nếu có. Kết luận giám định là căn cứ quan trọng để đánh giá hành vi hành hung đó có đủ điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự hay không đồng thời cũng là cơ sở để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật gây ra.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục