Nhà đầu tư cá nhân đã thận trọng hơn với trái phiếu doanh nghiệp

Sau khi Bộ Tài chính phát đi những cảnh báo rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các nhà đầu tư đã có tâm lý thận trọng hơn, khiến tổng giá trị phát hành tháng 7 giảm 41,1% so với tháng 6.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Trong tháng Bảy, sức cầu của thị trường đối với trái phiếu doanh nghiệp đã giảm. Lý giải về điều này, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường của Công ty Chứng khoán VNDIRECT chỉ ra một số nguyên nhân chính. Cụ thể, sau khi thị trường phiếu doanh nghiệp tăng trưởng đột biến trong tháng Năm và tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân tham gia các đợt phát hành riêng lẻ có xu hướng tăng, Bộ Tài chính đã liên tục phát đi những cảnh báo rủi ro.

“Điều này đã giúp các nhà đầu tư cá nhân thận trọng hơn khi đưa ra các quyết định tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đợt dịch bệnh COVID-19 thứ 2 quay trở lại từ cuối tháng Bảy, khiến nhu cầu nắm giữ tiền mặt trong xã hội tăng nhằm phòng ngừa rủi ro, đặc biệt đối với các nhà đầu tư tổ chức (các chủ thể chính tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp)…, theo đó sức cầu đối với trái phiếu doanh nghiệp đã giảm đi,” ông Hinh chia sẻ.

Giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ thành công. (Đơn vị: tỷ đồng)

Nhà đầu tư cá nhân đã thận trọng hơn với trái phiếu doanh nghiệp ảnh 1Nguồn: VNDirect

Tỷ lệ phát hành thành công chỉ đạt 26,4%

Trước đó, Bộ Tài chính đã khuyến cáo các nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cần tiếp cận đầy đủ thông tin và tìm hiểu kỹ các rủi ro có thể gặp phải đối với trái phiếu. Như, nhà đầu tư nên yêu cầu doanh nghiệp phát hành, tổ chức phân phối cung cấp thông tin về tình hình tài chính của doanh nghiệp (bao gồm cả tình hình huy động vốn trái phiếu: Số lượng đợt phát hành, khối lượng đã phát hành, dư nợ tại thời điểm dự kiến phát hành, việc thanh toán lãi, gốc trái phiếu đã phát hành)…  

Sau khi Bộ Tài chính liên tục phát đi những cảnh báo rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các nhà đầu tư đã có tâm lý thận trọng hơn. Cụ thể, theo số liệu báo cáo từ VNDIRECT, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra thị trường đạt 26.945 tỷ đồng trong tháng Bảy và giảm 41,1% so với tháng Sáu. Trong số đó, trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ là 19.944 tỷ đồng (giảm 56,4% so với tháng Sáu) và 7.000 tỷ đồng phát hành ra công chúng.

Điểm đáng lưu ý, nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp thông qua kênh trái phiếu vẫn rất cao, giá trị phát hành riêng lẻ đăng ký 75.592 tỷ đồng và tăng 23,7% so với tháng Sáu. Tuy nhiên, kết quả tỷ lệ phát hành thành công chỉ đạt 26,4%, thấp hơn nhiều so với con số 74,9% của tháng trước.

Trên thị trường, các tổ chức có giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ lớn nhất trong tháng là Ngân hàng thương mại cổ phần Liên Việt (3.000 tỷ đồng), Ngân hàng thương mại cổ phần Phát Triển Nhà Thành phố Hồ Chí Minh (2.400 tỷ đồng) và Công ty cổ phần Bất động sản Mỹ (2.300 tỷ đồng).

Nhà đầu tư tổ chức tham gia thị trường trung bình đạt 82,6% và nhà đầu tư cá nhân ở mức 17,4%. Như vậy, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công lũy kế 7 tháng đạt 196.500 tỷ đồng, tăng 48,5% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó giá trị trái phiếu phát hành riêng lẻ 179.500 tỷ đồng, tăng 37,0% so với cùng kỳ năm trước.

“Cấm cửa” nhà đầu tư không chuyên

Không chỉ đưa ra các khuyến cáo đối với nhà đầu tư cá nhân, Bộ Tài chính cũng có khuyến nghị đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Theo đó, các doanh nghiệp cần tính toán cụ thể dòng tiền để xây dựng phương án phát hành trái phiếu khả thi nhằm đảm bảo khả năng trả nợ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này phải sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu gắn với mục đích phát hành và không được chia nhỏ thành nhiều đợt phát hành (với nhiều mã trái phiếu) vì mục tiêu bán cho nhà đầu tư cá nhân.

Với các tổ chức phân phối trái phiếu, Bộ Tài chính cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát trên cơ sở đó xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tú, chuyên viên phân tích cao cấp, Công ty chứng khoán SSI đưa ra khuyến nghị tại báo cáo của SSI: Nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 163/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/9 đã tạo khuôn khổ pháp lý chặt chẽ với hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ. Theo đó, kênh tín dụng của các ngân hàng thương mại sẽ trở lại thành kênh tài trợ vốn chính cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản.

“Sự phát triển của thị trường trái phiếu nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng là tất yếu để tạo sự cân bằng, nâng cao chất lượng thị trường tài chính Việt Nam. Thế nhưng, mức tăng trưởng quá nóng giai đoạn gần đây tiềm ẩn nhiều rủi ro với sự bền vững của thị trường, do đó Bộ Tài chính đã liên tục phát đi cảnh báo với thị trường và ban hành Nghị định 81/2020/NĐ-CP nhằm giải quyết các vấn đề này,” bà Tú nói.

Động thái tiếp theo, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 77/2020/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 81 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/9/2020.

Ngoài ra, ông Hinh nhấn mạnh Luật Doanh Nghiệp sửa đổi được Quốc hội thông qua ngày 17/6 vừa qua sẽ chính thức "cấm cửa" các nhà đầu tư không chuyên mua bán trái phiếu phát hành riêng lẻ từ ngày 1/1/2021.

“Quyết định này có thể làm giảm sức cầu từ các nhà đầu tư cá nhân (vốn chủ yếu là các nhà đầu tư không chuyên) đối với các đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trong thời gian tới,” ông Hinh nhìn nhận.

Diễn biến lãi suất trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 7 tháng. (Đơn vị: %)

Nhà đầu tư cá nhân đã thận trọng hơn với trái phiếu doanh nghiệp ảnh 2Nguồn: VNDirect
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục