Nhà khoa học, nhà phát minh đại tài Alfred Nobel sinh ngày 21/10/1833, tại Stockholm của Thụy Điển.
Ông là người con thứ ba trong gia đình có truyền thống về kỹ thuật và hóa học. Là nhà khoa học, nhà phát minh đại tài, Alfred Nobel là chủ nhân của 355 bằng sáng chế, trong đó đáng chú ý nhất là phát minh về thuốc nổ (dynamite).
Năm 1866, Nobel chế tạo thành công thuốc nổ dynamite. Sau khi công bố phát minh này, Nobel nhận được bằng sáng chế tại Anh vào ngày 7/5/1867 và tại Thụy Điển vào ngày 19/10/1867.
Đến năm 1868, Alfred Nobel đã cải tiến dynamite, làm cho nó trở nên ổn định và an toàn hơn. Kể từ khi người dùng có thể kiểm soát các vụ nổ, dynamite đã được sử dụng một cách rộng rãi trong xây dựng và khai thác hầm mỏ.
Nhu cầu về thuốc nổ tăng cao, Nobel mở các văn phòng và các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới. Sau này, ông còn phát minh ra một số loại thuốc súng, nổi bật là loại thuốc súng không khói. Những phát minh này cộng với việc khai thác các giếng dầu ở Baku của anh em ông đã đem lại cho ông những khoản lợi nhuận lớn.
[Lịch sử Giải Nobel danh giá toàn cầu: Quy trình và giá trị giải thưởng]
Nhiều năm sau cái chết của ông, người ta vẫn còn tranh cãi về công dụng của thuốc nổ (dynamite) cũng như sức tàn phá của nó trong chiến tranh. Nhưng một điều không thể phủ nhận rằng thuốc nổ (dynamite) của Nobel đã giải phóng sức lao động cho con người, tạo ra các bước tiến vượt bậc trong xây dựng đường xá cũng như việc khai thác hầm mỏ.
Ngày 10/12/1896, Alfred Nobel qua đời ở tuổi 63, để lại một gia tài đáng kể có được nhờ tài năng sáng chế và khả năng kinh doanh của mình.
Sau khi ông mất, người ta mở bản di chúc của ông được gửi trong két sắt của một ngân hàng ở Stockholm. Khi 4 trang di chúc viết tay được đọc lên, những người thân của ông đã ngạc nhiên một cách khó chịu, khi biết rằng họ chỉ được ông để lại cho một ít tiền.
Còn gần như toàn bộ tài sản của ông được bán thành tiền mặt tương đương với 70 triệu krona Thụy Điển lúc đó để gửi ngân hàng.
Số tiền lãi hàng năm sẽ trích ra, chia làm 5 phần: 1 phần tặng cho người có khám phá hoặc cải tiến quan trọng nhất trong lĩnh vực Vật lý; 1 phần dành cho người có khám phá hay cải tiến đặc sắc nhất về Hóa học; 1 phần dành cho người có khám phá quan trọng nhất trong Sinh lý học và Y học; 1 phần dành cho người có tác phẩm có ý nghĩa nhất về mặt lý tưởng trong lĩnh vực Văn học và phần sau cùng dành cho người có cống hiến lớn nhất hoặc tốt nhất cho tình hữu nghị, hòa bình giữa các quốc gia, dân tộc.
Di chúc của Nobel cũng nhấn mạnh rằng giải được trao không phân biệt quốc gia của người nhận, vì thế người xứng đáng nhận giải nhất sẽ nhận giải.
Thoạt tiên, những người thực hiện di chúc rất bối rối, bởi phải làm thế nào để ý nguyện cuối của Nobel trở thành hiện thực và để những người xứng đáng nhất nhận được giải thưởng mà không có sự thiên vị? Cuối cùng, phải đến năm 1900, người ta mới thống nhất quy chế lựa chọn người đoạt giải và số tiền cho mỗi giải. Và phải đến năm 1901, giải Nobel đầu tiên mới được tổ chức tại Stockholm.
Trong các giải thưởng Nobel, Giải Vật lý, Hóa học, Văn học và Kinh tế do Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển quyết định; Giải Y sinh do Ủy ban Nobel của Viện Karolinska quyết định; và Giải Hòa bình do Ủy ban Nobel thuộc Quốc hội Na Uy quyết định.
Đến năm 1968, nhân kỷ niệm 300 năm ngày thành lập Ngân hàng Thụy Điển và cũng là để tưởng nhớ nhà khoa học Alfred Nobel, Ngân hàng Thụy Điển đã đóng góp để đưa thêm vào hệ thống giải một giải thưởng về lĩnh vực Kinh tế. Giải này được trao từ năm 1969 cùng thời điểm trao các giải Nobel khác trong năm.
Và sau hơn 120 năm lịch sử kể từ lần trao giải đầu tiên năm 1901, đã có trên khoảng 1.000 cá nhân và tổ chức vinh dự được nhận giải thưởng danh giá này. Với tất cả những nỗ lực của những người có nhiệm vụ thi hành bản di chúc, giải Nobel đã trở thành tấm gương phản chiếu lịch sử tiến bộ của loài người trong những lĩnh vực quan trọng nhất.
Thành công của giải thưởng Nobel đã đưa nhân loại lên một tầm cao mới, với thuyết tương đối của Einstein, thuyết cơ học lượng tử của Heisenberg, cộng với những phát kiến về tâm lý học chiều sâu của Sigmund Freud, đã đặt nền tảng cho hội hoạ và văn học hiện đại… Tất cả những thành tựu đó đều được phản ánh trong phần lớn những gương mặt nhận giải Nobel./.