Ngày 10/8, Nhà Trắng đã đề nghị Quốc hội Mỹ chấp thuận khoản kinh phí 13,1 tỷ USD bổ sung cho Bộ Quốc phòng để hỗ trợ Ukraine, bao gồm hỗ trợ thiết bị, quân sự và tình báo.
Trong một bức thư gửi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy và các nghị sỹ khác, Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB) của Nhà Trắng, bà Shalanda Young nhấn mạnh khoản kinh phí trên sẽ giúp Ukraine và các nước khác cũng đang chịu tác động của cuộc xung đột tại Ukraine.
Đề nghị trên của Nhà Trắng có thể làm gia tăng căng thẳng trong cuộc thảo luận về vấn đề chi tiêu ngân sách vốn đã gây tranh cãi khi Quốc hội hoạt động trở lại vào tháng 9 tới.
Nhà Trắng cũng đề nghị cấp kinh phí 8,5 tỷ USD cho Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), trong đó 7,3 tỷ USD “hỗ trợ kinh tế, nhân đạo và an ninh” cho Ukraine và các quốc gia bị ảnh hưởng khác.
Bên cạnh đó, Nhà Trắng cũng đề nghị cấp 3,3 tỷ USD để hỗ trợ ngân sách trực tiếp cho Ukraine thêm 3 tháng, nhằm đảm bảo Chính phủ Ukraine có thể tiếp tục đáp ứng được những nhu cầu cấp thiết, trong đó có cấp ngân sách chăm sóc sức khỏe và giáo dục.
Như vậy, tổng cộng các khoản ngân sách bổ sung mà Nhà Trắng đề xuất hỗ trợ Ukraine lên tới hơn 24 tỷ USD. Đề nghị ngân sách trên phải được Quốc hội Mỹ thông qua mới được giải ngân.
Nhà Trắng đang tìm cách đưa đề xuất ngân sách tài trợ nói trên vào dự luật chi tiêu ngắn hạn, còn được gọi là nghị quyết tiếp tục cho phép chính phủ hoạt động (CR), mà nhiều nhà lập pháp kỳ vọng Quốc hội sẽ thông qua vào cuối tháng 9 để ngăn chặn nguy cơ chính phủ đóng cửa.
Việc tài trợ cho Ukraine có thể làm phức tạp thêm quá trình phê duyệt CR. Một số nghị sỹ bảo thủ đã bày tỏ sự phản đối bất kỳ dự luật chi tiêu ngắn hạn nào nhằm duy trì tài trợ ở mức tài khóa 2023, trong khi một số người phản đối tiếp tục tài trợ cho Ukraine.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, tính đến ngày 25/7 vừa qua, Mỹ đã cam kết hơn 43,7 tỷ USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine.
[Mỹ chính thức công bố gói viện trợ quân sự thứ 43 cho Ukraine]
Liên quan vấn đề hỗ trợ Ukraine, ngày 10/8, công ty Satcube của Thụy Điển thông báo bắt đầu chuyển các thiết bị đầu cuối để đưa dịch vụ internet vệ tinh tới Ukraine.
Báo Dagens Nyheter của Thụy Điển đưa tin Satcube không phản đối quân đội Ukraine sử dụng dịch vụ của công ty này.
Nền tảng của hệ thống vệ tinh của Satcube dựa trên công ty Intelsat của Mỹ. Dự kiến, chi phí lắp đặt thiết bị của Satcube ở Ukraine sẽ do Đức chi trả.
Đây được xem là hợp đồng lớn nhất của Satcube kể từ khi công ty này triển khai hoạt động năm 2017.
Trong giai đoạn đầu, khoảng 100 thiết bị đầu cuối cho dịch vụ internet vệ tinh sẽ được cung cấp cho Ukraine.
Ông Jakob Kallmer - nhà sáng lập và Giám đốc điều hành (CEO) của Satcube - cho biết những thiết bị đầu tiên đã tới Ukraine vào đầu mùa Hè năm nay./.