Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 14/6 đã yêu cầu Quốc hội do phe Cộng hòa kiểm soát khôi phục lệnh cấm những vũ khí tấn công, trong bối cảnh cả nước Mỹ vẫn chấn động sau vụ xả súng hàng loạt tại Orlando, bang Florida.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh Quốc hội cần khôi phục lệnh cấm vũ khí và khiến những kẻ khủng bố gặp khó khăn trong việc sở hữu những loại vũ khí giết người. Ông Obama cảnh báo nếu không có những lệnh cấm như vậy, những sự việc như vụ thảm sát tại Orlando sẽ tái diễn trong thời gian tới.
Theo người đứng đầu Nhà Trắng, cần chấm dứt hô hào mạnh tay với chủ nghĩa khủng bố mà phải thật sự hành động, không thể để những tên khủng bố dễ dàng sở hữu vũ khí tấn công như hiện nay.
Lệnh cấm bán các loại súng bán tự động cho người dân được thực thi từ năm 1994. Tuy nhiên, năm 2004, khi lệnh cấm này hết hiệu lực, Quốc hội Mỹ đã từ chối gia hạn.
Vấn đề kiểm soát súng đạn lại nổi lên trên chính trường Mỹ sau vụ thảm sát ngày 12/6 tại một hộp đêm cho người đồng tính ở Orlando khiến 50 người thiệt mạng và 53 người bị thương.
Ngày 14/6, Thượng nghị sỹ Mitch McConnell khẳng định "không ai muốn những tên khủng bố sở hữu súng" và bày tỏ sẵn sàng tiếp nhận các đề xuất của giới chuyên gia về các biện pháp giải quyết vấn đề này.
Tuyên bố của người đứng đầu phe đa số tại Thượng viện được đưa ra sau khi các nghị sĩ đảng Dân chủ tại hai viện chỉ trích mạnh mẽ việc Quốc hội không hành động nhằm ngăn những đối tượng trong danh sách theo dõi khủng bố mua súng hay thiết bị nổ.
Giới phân tích cho rằng dù không có cơ sở cho thấy các nhà lập pháp của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa hay hai viện của Quốc hội Mỹ sẽ đạt được thỏa hiệp trong vấn đề này, nhưng có những dấu hiệu cho thấy ít nhất giới chức lập pháp đã sẵn sàng thảo luận.
Cùng ngày, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền (UNHCR) Zeid Ra’ad al-Hussein đã yêu cầu Mỹ áp dụng các biện pháp kiểm soát súng đạn nghiêm ngặt hơn.
Trong một tuyên bố, ông Zeid chỉ trích điều gọi là “tuyên truyền ủng hộ súng ống vô trách nhiệm” và đặt câu hỏi nước Mỹ phải chứng kiến bao nhiêu vụ xả súng giết người bừa bãi nữa thì các nhà lập pháp mới chịu hành động.
Ông nhấn mạnh các cộng đồng và những nhóm thiểu số yếu thế, những người đã phải gánh chịu những thành kiến rộng khắp đã phải trả giá đắt. Theo ông Zeid, điều kiện tiếp cận vũ khí dễ dàng đang làm thu hẹp khoảng cách “giữa ý muốn giết người với hành động giết người."
Cho đến nay, Mỹ là nước có tỷ lệ người dân sở hữu súng đạn cao nhất thế giới tính bình quân đầu người, cùng với tỷ lệ sát thương vì súng đạn cao nhất./.