Nhà văn Chu Lai: “Viết không phải để ăn mày dĩ vãng”

“Dưới dòng Thạch Hãn kia, bên cạnh những đồng đội nằm lại còn là thân xác của bao đồng loại bên kia chiến tuyến,” nhà văn Chu Lai trăn trở.
Nhà văn Chu Lai: “Viết không phải để ăn mày dĩ vãng” ảnh 1Quân giải phóng đánh chiếm căn cứ Đầu Mầu (1972) (Ảnh: Đoàn Công Tính - Tư liệu TTXVN)

Quả thực, hẹn gặp nhà văn Chu Lai không hề dễ. “Tôi vốn là con người của trận mạc và những chuyến đi,” ông trải lòng.

“Bạn muốn phỏng vấn tôi à? Ừ, cũng được, nhưng tôi đang ở Nha Trang. Bạn có mang máy quay vào đây ghi hình được không?” - ông cười vang trong điện thoại.

Thế rồi, một thời gian ngắn sau, người viết ngỡ rằng ông đã về Hà Nội. Ấy vậy mà, ông lại bảo: “Tôi đang tham gia trại sáng tác ở Vĩnh Phúc rồi!”

Nói rồi, nhà văn lý giải nguồn cơn của nhịp sống bận rộn ấy rằng, ông đã ở tuổi thất thập, thời gian không còn nhiều. Trong khi đó, lòng ông vẫn nặng trĩu những suy tư, ám ảnh về chiến tranh, về những đồng đội đã ngã xuống và ông thấy mình cần phải viết.

“Trốn” để “cày”

Trong dòng tự sự, ông bảo: “Sau 10 năm cầm súng, luôn sống ở biên giới mong manh, bờ vực sinh-tử, lẽ ra, tôi cũng có thể chọn một công việc nhàn tản hơn để ‘nhấm nháp’ nốt quãng đời còn lại. Thế nhưng, tôi không làm được: một phần do gen văn chương từ ông cụ truyền lại [thân sinh nhà văn Chu Lai là nhà biên kịch Học Phi-PV]; một phần do những tiếng vọng, ám ảnh từ quá khứ cứ bám riết, thôi thúc mình viết.”

Viết không phải để tiếp tục “ăn mày dĩ vãng” mà viết để tiếp tục sòng phẳng, thành thật với dĩ vãng, để báo đền mối ân tình với đồng đội và để trả nợ… nghiệp văn chương.

“Tôi phải ‘trốn’ đi thì mới tập trung ‘cày’ được chứ! Ở Hà Nội là cứ lu bù: nào thì tụ tập bạn bè; nào thì gặp gỡ nọ kia; và nhất là những dịp lễ lạt, những ngày kỷ niệm, tôi lại bị chính cánh báo chí các bạn ‘hành’ một cách thân ái… Nhịp sống cứ như vậy, viết sao nổi!” nhà văn chia sẻ.

Quả thực, vị đại tá già này viết rất bạo tay. Ngày từ “Nắng đồng bằng” (1978), ông đã để cả một tiểu đoàn đặc công hy sinh sau một trận đánh. Nhà văn kể, thời kỳ đó, cấp trên có nhắc nhở về chi tiết này. Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng, chi tiết ấy vẫn xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết khi xuất bản. 

“Sự thật thì vẫn luôn là sự thật - dù có bi thương, và chúng ta phải tôn trọng nó,” nhà văn Chu Lai nói.

Nhà văn Chu Lai: “Viết không phải để ăn mày dĩ vãng” ảnh 2Đại tá - nhà văn Chu Lai. (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam/TTXVN)

“Chiến tranh là chôn nhau”

Từ “Nắng đồng bằng” (1978) đến “Mưa đỏ” (2016), qua gần bốn thập kỷ cầm bút viết về đề tài chiến tranh cách mạng, nhà văn Chu Lai đã đi một hành trình dài với nhiều chiêm nghiệm.

Nhà văn bảo, độ lùi thời gian đã giúp ông thấm thía hơn nhiều điều, để có cái nhìn sâu hơn và tình hơn. Nếu như thời kỳ đầu, chất anh hùng ca bao trùm các sáng tác thì càng về sau, trong bản hùng ca đã có thêm những đoạn bi ca. Hàng triệu người đã ngã xuống thì sao có thể chỉ gọi đó là sự hoan ca?

Trong tiểu thuyết “Mưa đỏ” mới ra mắt độc giả vào tháng Tư vừa qua, ông viết về 81 ngày đêm rực lửa bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mùa Hè 1972.

“81 ngày đêm, chúng ta mất khoảng 16.000 chiến sỹ. Trung bình, mỗi ngày một đại đội hy sinh. Còn gì khốc liệt hơn? Những con số ấy cứ bám riết lấy tôi. Dưới dòng Thạch Hãn kia, bên cạnh những đồng đội nằm lại còn là thân xác của bao đồng loại bên kia chiến tuyến. Chiến tranh đã xé toạc những ước mơ, vùi nát những thân xác,” giọng ông bỗng chùng xuống.

Cả cách viết và cách nói của nhà văn vừa có cả chất lãng mạn vừa có cả sự ngang tàng của lính chiến. Ông bảo, không có sự lãng mạn thì không thể băng qua được khói lửa mịt mù, không thể gượng dậy được từ những mảnh đất nhuốm máu đồng đội.

“Thời còn là lính đặc công ven Sài Gòn, tôi vẫn quan niệm, chiến tranh là chôn nhau. Những cái chết khốc liệt, hôm nay là người này và ngày mai rất có thể sẽ đến lượt mình. Ngày nào chúng tôi cũng tự tay chôn đồng đội. Nước mắt đã không thể lăn dài trên gò má. Nó lặn vào trong, một sự câm lặng đến tận cùng. Chúng tôi gắng gượng, gồng mình để đứng lên tiếp tục chiến đấu…” nhà văn hồi tưởng.

Vị đại tá già lặng đi trong dòng hồi ức. Ông bảo, có những câu chuyện, ông vẫn luôn nhắc mình và gợi nhắc cho đồng đội trong những lần gặp mặt. Đó là “cuộc hành quân” 10 năm mới đặt chân được tới Sài Gòn.

Trong kháng chiến chống Mỹ, đơn vị đặc công của nhà văn Chu Lai đóng quân cách Sài Gòn 15km. “Nếu tính một cách cơ học, mỗi năm, chúng tôi chỉ tiến thêm được 1,5km. Trên mỗi đoạn đường dài 1,5km ấy, chúng tôi phải tự tay lấp đất chôn hàng trăm đồng đội. Những cuộc hành binh đầy máu để có thể ca khúc khải hoàn tức tưởi giữa Sài Gòn,” người cựu binh nhớ lại một thời lửa đạn.

Có lẽ chính bởi lẽ ấy mà người đọc vẫn nói, văn Chu Lai có mùi “tử sỹ.” “Sự thật về cuộc chiến cần được nhìn thấu đến tận cùng,” nhà văn nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đại biểu tham dự lễ khánh thành Làng văn hóa Việt–Nhật. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Khánh thành Làng văn hóa Việt-Nhật tại Long An

Làng văn hóa Việt-Nhật có diện tích gần 7.000m2, nằm trong khu đô thị tích hợp Waterpoint, Long An, là công trình mang tính biểu tượng cho tình hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản.