'Biên sử nước': Những suy tư của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư về cuộc sống

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cho ra mắt tiểu thuyết thứ hai sau 8 năm

“Biên sử nước” là sự suy tư của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư về hiện thực cuộc sống qua những biến tính của nước, sự rộng lớn và sâu thẳm của không gian.
'Biên sử nước' tiểu thuyết thứ hai của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. (Ảnh: Nhà phát hành)

Dù là tác giả có sức viết đều đặn, các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư đa số nằm ở thể loại tản văn hoặc truyện ngắn. Với thể loại tiểu thuyết, "Biên sử nước" là tác phẩm thứ hai sau khi chị ra mắt "Sông" - tiểu thuyết đầu tay năm 2012.

Bối cảnh trong cuốn tiểu thuyết là một cơn đại hồng thủy không thể kết thúc. Ở đó, Đức Ngài trở thành trung tâm và biểu tượng của tính thiêng, mang theo trái tim cứu rỗi muôn loài.

Cuốn sách bao gồm 11 chương, trải ra trên 125 trang. So với “Sông” thì tác phẩm này chỉ dày gần bằng một nửa. Mỗi chương là một truyện ngắn độc lập, có kết cấu xoay vòng, không có sự diễn tiến hay kết thúc. 

“Biên sử nước” là suy tư của tác giả về những triết lý sống, chính vì thế, lối viết có thế khó tiếp thu với người đọc đại trà. 

Nhà phát hành cũng cho biết, họ đã nhận được 3.000 đơn đặt mua trước và đánh giá đây là tín hiệu tốt đối với văn học nước nhà. Vào ngày 1/11 tới đây tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Ngọc Tư sẽ ký tặng sách cho các độc giả của mình.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư (sinh năm 1976) là một trong những gương mặt nữ nổi tiếng trên diễn đàn thi văn Việt Nam. Những tác phẩm đã làm nên tên tuổi chị bao gồm tập truyện ngắn “Ngọn đèn không tắt” (2000), “Cánh đồng bất tận” (2005), tiểu thuyết “Sông” (2012)... và gần đây nhất là “Hành lý hư vô” (2019). 

Các tác phẩm của chị gặt hái nhiều giải thưởng, trong đó có giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam, giải thưởng của Hiệp hội Quảng bá văn học châu Á, châu Phi, Mỹ Latin tại Đức (Litprom) cho “Cánh đồng bất tận.”

“Cánh đồng bất tận” của chị đã được dịch và xuất bản tại Hàn Quốc năm 2006, tại Thụy Điển năm 2007. Ở trong nước, Hãng phim truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển thể hai truyện ngắn “Cải ơi”“Biển người thương nhớ” thành phim điện ảnh truyền hình dài 90 phút, lấy theo tên “Cải ơi.” Các năm sau đó, các tác phẩm truyện ngắn, truyện vừa trong “Cánh đồng bất tận” tiếp tục được đưa lên sân khấu kịch dù có vẫn có những ý kiến trái chiều về nội dung của tác phẩm.

Năm 2020, con trai chị là bé Cao Khải An (12 tuổi) đạt Giải thưởng Dế mèn lần 1 do báo Thể thao và Văn hóa tổ chức, tác phẩm nhận giải là bản thảo (chưa in thành sách) “Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi rơm.” Với thành tích đó, Khải An trở thành tác giả thiếu nhi đầu tiên nhận giải thưởng này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục