Nham thạch núi lửa phun trào ở Hawaii tạo thành đảo nhỏ ngoài khơi

Theo Cơ quan thăm dò địa chất Mỹ (USGS), hòn đảo trên có đường kính khoảng 6-9m, được hình thành bởi nham thạch, ở vị trí cách bờ biển Hawaii chỉ vài mét tính từ đỉnh Bắc Big Island.
Hòn đảo mới ngoài khơi Hawaii. (Nguồn: edition.cnn.com)

Một nhóm quan sát núi lửa ở Hawaii đã phát hiện một đảo nhỏ mới được hình thành bởi nham thạch phun trào từ núi lửa Kilauea ở đảo Hawaii (Mỹ).

Theo Cơ quan thăm dò địa chất Mỹ (USGS), hòn đảo trên có đường kính khoảng 6-9m, được hình thành bởi nham thạch, ở vị trí cách bờ biển Hawaii chỉ vài mét tính từ đỉnh Bắc Big Island.

Nhóm quan sát núi lửa ở Hawaii đã phát hiện ra hòn đảo này trong một chuyến bay ngày 14/7 vừa qua.

[Nham thạch rơi trúng tàu du lịch ở Hawaii, hơn 20 người bị thương]

Tuy nhiên, đảo nhỏ trên đã biến mất ngay sau khi vừa được hình thành. Trong một trạng thái trên trang mạng xã hội Twitter ngày 17/7, USGS cho biết: "Giờ đó không còn là một 'hòn đảo' nữa vì nham thạch đã hòa vào dòng chảy của nó ở phía trước đảo."

Hiện núi lửa Kilauea vẫn tiếp tục phun trào nham thạch. Là một trong những núi lửa trẻ nhất và hoạt động mạnh nhất thế giới, núi lửa Kilauea đã phun trào không ngừng từ đầu tháng Năm tới nay.

Vụ phun trào núi lửa bắt đầu từ hôm 3/5 đã phá hủy hàng trăm ngôi nhà và khiến người dân phải sơ tán. Dung nham đã nhấn chìm một khu vực với diện tích khoảng 20km2 kể từ khi núi lửa phun trào. Ngày 17/7, một quả "bom nham thạch" bắn ra từ núi lửa này đã rơi trúng một tàu du lịch làm 23 người bị thương.

Giới khoa học tin rằng núi lửa hoạt động có thể là một điềm báo về một đợt phun trào lớn sắp tới, tương tự như vụ phun trào núi lửa Kilauea hồi giữa những năm 20 của thế kỷ trước.

Tuy nhiên, khách du lịch vẫn tới đây tham quan do dòng dung nham chảy vào Thái Bình Dương là một cảnh tượng ngoạn mục với những lớp sương mù mờ ảo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục