Nhận định các ứng viên tiềm năng cho giải Nobel Vật lý 2021

Trang tin khoa học của Viện Vật lý Mỹ (AIP), Inside Science, dự đoán chủ nhân của các nghiên cứu về thông tin lượng tử, siêu vật liệu nhân tạo và làm chậm ánh sáng có cơ hội giành giải Nobel Vật lý.
Chủ nhân của giải Nobel Vật lý năm nay sẽ được công bố vào 16h45 giờ Việt Nam. (Nguồn: Insidescience)

Theo kế hoạch, vào lúc 11h45 giờ Thụy Điển (16h45 giờ Việt Nam) ngày 5/10, Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển sẽ công bố chủ nhân của giải Nobel Vật lý năm nay.

Giới phân tích nhận định nghiên cứu về thông tin lượng tử, siêu vật liệu nhân tạo và làm chậm ánh sáng có thể được tôn vinh.

Trang tin khoa học của Viện Vật lý Mỹ (AIP), Inside Science, dự đoán ba nghiên cứu tiềm năng cho giải thưởng này.

Nghiên cứu về thông tin lượng tử, trong đó có sự tham gia của các nhà khoa học Alain Aspect thuộc Trường đào tạo sau đại học Institut d'Optique (Pháp), John Clauser thuộc Công ty nghiên cứu J.F. Clauser and Assoc (Mỹ) và Anton Zeilinger thuộc Đại học Vienna (Áo), được Inside Science nêu tên đầu tiên.

Inside Science từng đánh giá đây là một trong những nghiên cứu tiềm năng cho giải Nobel Vật lý 2020, nhưng giải thưởng năm ngoái thuộc về 3 nhà khoa học Roger Penrose (Anh), Reinhard Genzel (Đức) và Andrea Ghez (Mỹ) với các phát hiện về hố đen siêu khối lượng.

[Khám phá về nhiệt độ và xúc giác đoạt giải Nobel Y sinh 2021]

Ngoài ra, một số nhà nghiên cứu lượng tử khác cũng được Inside Science đề cập đến như Peter Shor, nhà toán học đã chứng minh máy tính lượng tử có thể "bẻ khóa" một phương pháp mã hóa tiêu chuẩn vào năm 1994, Gilles Brassard và Charles Bennett với nghiên cứu về mã hóa lượng tử.

Giới chuyên gia cho rằng công nghệ thông tin lượng tử, vốn nhận được sự quan tâm lớn trong thời gian gần đây, sẽ sớm đạt những mốc phát triển nổi bật. Đó có thể là máy tính lượng tử với khả năng giải quyết vấn đề của thế giới thực nhanh hơn máy tính truyền thống, các công cụ chẩn đoán y tế nhạy bén hơn hoặc mạng lưới thông tin liên lạc an toàn và sâu rộng hơn.

Inside Science cũng dự báo các nhà khoa học John Pendry thuộc Đại học Hoàng gia London (Anh) và David Smith thuộc Đại học Duke (Mỹ) với nghiên cứu về siêu vật liệu metamaterial cũng có thể đoạt giải Nobel Vật lý năm nay.

Metamaterial là những vật liệu nhân tạo với cấu trúc do con người thiết kế, mang lại các tính chất khác thường. Ví dụ, kim loại vàng thường có màu vàng sáng đặc trưng, tuy nhiên, nếu sắp xếp các nguyên tử theo cấu trúc đặc biệt, các nhà khoa học có thể khiến nó mang màu đỏ, xanh lá, hoặc tương tác với ánh sáng theo những cách không thể xảy ra ngoài tự nhiên.

Nhà khoa học Pendry cho rằng metamaterial có thể tạo ra những tấm "áo khoác tàng hình" thực sự. Không chỉ vậy, siêu vật liệu này có thể giúp thu nhỏ các thiết bị quang học và điện tử, hoặc giúp các kỹ sư tìm ra phương pháp hiệu quả hơn để thu năng lượng từ Mặt Trời.

Metamaterial cũng có khả năng tương tác với âm thanh hoặc nhiệt theo những cách tưởng như không thể. Trong khi đó, nhà khoa học Smith cũng là một cái tên nổi bật trong lĩnh vực nghiên cứu metamaterial.

Theo Inside Science, một ứng cử viên sáng giá nữa là nhà khoa học nữ Lene Hau thuộc Đại học Harvard (Mỹ) với nghiên cứu liên quan đến công trình làm chậm ánh sáng.

Phần lớn những người được dự đoán đoạt giải Nobel Vật lý là nam giới và cho đến nay, số lượng nhà khoa học nam nhận giải thưởng này cũng chiếm đa số. Đến nay, chỉ có 3 nhà khoa học nữ từng đoạt giải Nobel Vật lý là Donna Strickland (Canada), Marie Curie (Pháp gốc Ba Lan) và Maria Goeppert-Mayer (Mỹ gốc Đức).

Bà Hau được dự đoán có thể trở thành nhà khoa học nữ tiếp theo trong danh sách này. Bà cùng nhóm nghiên cứu đã giảm tốc độ ánh sáng xuống khoảng 64 km/h, thậm chí làm nó dừng hoàn toàn.

Trước đó, ngày 4/10, Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển công bố giải Nobel Y sinh năm 2021 thuộc về hai nhà khoa học người Mỹ David Julius và Ardem Patapoutian “vì những khám phá của họ về các thụ thể đối với nhiệt độ và xúc giác."

Giải Nobel, là một giải thưởng quốc tế được công bố hàng năm kể từ năm 1901 để vinh danh những cá nhân đạt thành tựu trong các lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Y sinh, Văn học và Hoà bình; riêng giải Nobel Hoà bình có thể được trao cho cá nhân hay một tổ chức.

Đến năm 1968, Ngân hàng Thụy Điển đưa thêm vào hệ thống giải một giải thưởng về lĩnh vực Kinh tế để tưởng nhớ nhà khoa học Alfred Nobel, người đã sáng lập ra giải Nobel.

Alfred Nobel là nhà khoa học, nhà phát minh đại tài, chủ nhân của 355 bằng sáng chế, trong đó đáng chú ý nhất là phát minh về thuốc nổ. Cả cuộc đời cống hiến cho khoa học, ông đã đạt tới đỉnh cao của vinh quang và giàu có.

Sau khi qua đời vào năm 1896, Alfred Nobel đã để lại một bản di chúc gây kinh ngạc và khó hiểu cho mọi người khi ông chỉ dành một phần nhỏ gia tài của mình cho bạn bè và người thân để “khỏi tạo nên những kẻ lười biếng."

Gần toàn bộ tài sản ông đã được đem bán thành tiền mặt, tương đương với 70 triệu krona Thụy Điển lúc đó, để gửi ngân hàng. Số tiền lãi hàng năm sẽ trích ra, chia làm 5 giải thưởng tặng “cho những người có đóng góp lớn nhất cho nhân loại” trên các lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Y sinh, Văn học và Hòa bình.

Trong các giải thưởng Nobel thì Giải Vật lý, Hóa học, Văn học và Kinh tế do Viện Hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển quyết định; Giải Y sinh do Ủy ban Nobel của Viện Karolinska quyết định; và Giải Hòa bình do Ủy ban Nobel thuộc Quốc hội Na Uy quyết định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục