Nhân viên nhà xác Ukraine choáng vì quá nhiều xác người chết

Bất chấp việc Kiev và các lực lượng đòi liên bang hóa đã ký thỏa thuận ngừng bắn từ ngày 5/9, mỗi ngày vẫn có thi thể được chuyển về Donetsk.
Một chiến binh thuộc lực lượng ly khai đứng trên xe tăng tại Donetsk (Nguồn: AFP)

Giống như phần lớn nhân viên một nhà xác ở phía Đông Ukraine, Olga Georgiyevna đã phải dùng thuốc ngủ để xóa đi nỗi sợ của việc chứng kiến nhiều thi thể được chuyển tới đây.

Thỏa thuận ngừng bắn dường như không hề khiến công việc của người phụ nữ này trở nên dễ thở hơn.

“Tôi biết rằng mình đã thật điên rồ khi vẫn làm việc ở đây” – Olga nói với phóng viên AFP khi đứng tại bệnh viện ở Donetsk, đôi mắt cô ngấn nước, - “Tất cả chúng tôi đều điên rồi”.

Bất chấp việc Kiev và các lực lượng đòi liên bang hóa đã ký thỏa thuận ngừng bắn từ ngày 5/9, mỗi ngày vẫn có thi thể được chuyển về Donetsk.

“Trong ngày thứ Hai, có 13 dân thường thiệt mạng. Trong ngày thứ Ba có 11 người. Hôm nay là 9 người” – lãnh đạo lực lượng pháp y địa phương Dmitry Kalashnikov nói.

Liên hợp quốc hôm 8/10 công bố rằng có tới 331 người có thể đã thiệt mạng trong khoảng thời gian kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn được ký kết cho tới ngày 6/10.

Trong một căn phòng nằm ở tầng thấp tại bệnh viện Kalinin, 15 thi thể được chồng lên nhau, trong khi các thi thể khác vẫn nằm trên cáng, chờ kiểm tra.

“Đây chỉ là một ngày làm việc bình thường” - Mikhail Zoloto, bác sĩ pháp y đã có 21 năm kinh nghiệm thở dài – “Chứng kiến binh lính thiệt mạng là một chuyện, vì họ đã đưa ra lựa chọn cho mình. Nhưng để thấy dân thường và trẻ em thì…”.

Với việc giao tranh tăng lên trong khu vực vào mấy ngày gần đây, bệnh viện đã phải điều 3 xe tải làm lạnh tới gần cổng ra vào.

Do các cửa sổ bệnh viện đã bị vỡ kể từ cuối tháng 8, mùi tử khí đã từ những chiếc xe bay vào trong bệnh viện, bất chấp việc người ta đã tìm cách ngăn mùi bằng vải nhựa.
“Với tôi, phần khó khăn nhất khi làm việc không phải là các vấn đề về thể xác mà là về tinh thần” - Kalashnikov nói – “Tôi thường đi nhanh tới khoa thần kinh và lấy mấy viên thuốc. Nhưng với các nhân viên, họ gặp khó khăn cả về thể xác lẫn tinh thần”.

Đám cưới trúng pháo

Tại cửa ra vào bệnh viện, khoảng 1 chục người - gồm những người lính, một đôi trẻ, vài người già, đang chờ được chăm sóc.

“Tình hình tồi tệ nhất ở khu vực tiếp đón bệnh nhân” – y tá Georgiyevna nói – “Ở đây người ta kể lại các câu chuyện của họ và khóc. 3 ngày trước, một chàng trai trẻ tới đây. Gia đình anh đã đến Ukraine từ Israel để dự đám cưới. Anh có việc phải đi khỏi đám cưới khoảng 1 phút. Trong lúc anh đi vắng, đám cưới đã trúng đạn pháo”.

Georgiyevna, 55 tuổi, đã làm việc ở nhà xác suốt 30 năm qua. Bà nhỏ vài giọt thuốc ngủ vào khẩu trang. “Kể từ giữa tháng 7, tôi đã không thể ngủ nếu thiếu thứ này”.

Trong nhiều tháng, bà đã làm việc gần như thường nhật, chứng kiến các nạn nhân được chuyển về ào ạt khi hoạt động giao tranh tăng cao vào mùa Hè. Bà cũng phải nhận thi thể của những người nước ngoài thiệt mạng trong vụ bắn rơi chiếc máy bay mang số hiệu MH17 của Malaysia ở Ukraine.

Khói bốc cao do chiến sự tại Donetsk (Nguồn: AFP)

Giờ thì bà phải xử lý cả xác dân thường, dù lệnh ngừng bắn đã được ký kết.

Giống như phần lớn các đồng nghiệp khác, bà đã nhận lương tháng 9, nhưng chưa có lương tháng 6,7 hoặc 8.

Trong ngày 24/8, bà đã định thôi không đi làm nữa. Nhưng đó là khi một quả đạn pháo bay trúng nhà xác. “Phần mái bị trúng đạn. Có 40 người chết. Vậy là tôi lại đi làm. Tôi cảm thấy có trách nhiệm với các gia đình đó”.

“Chúng tôi chẳng được tư vấn tâm lý” - Zoloto, viên bác sĩ pháp y, chia sẻ với AFP – “Tôi đã cố gắng để đầu óc mình thanh thản trên đường về. Anh chẳng có lựa chọn nào cả, nếu không làm thế, anh sẽ phát điên lên mất," Georgiyevna đồng tình.

“Tất cả chúng tôi đều đã hơi điên loạn” – bà nói – “Anh thấy những bà mẹ có con bị giết và tất cả những gì người ta kêu gọi là thêm vũ khí, thêm áo chống đạn cho quân đội. Chẳng ai kêu gọi việc ngừng chiến tranh cả”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục