Nhanh chóng hoàn thành bệnh viện dã chiến tuyến Trung ương tại Cần Thơ

Bộ trưởng nhấn mạnh Bộ Y tế đang rất lo ngại về tình hình dịch diễn biến phức tạp từ các nước láng giềng, khu vực biên giới... Nguy cơ dịch xâm nhập và bùng phát rất lớn.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

"Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ phối hợp với địa phương, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ nhanh chóng hoàn thành bệnh viện dã chiến tuyến trung ương tại Cần Thơ, chủ động các phương án ứng phó với diễn tiến khó lường của dịch COVID-19."

Đó là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trong buổi làm việc ngày 26/4 với Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và công tác y tế trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Y tế đề xuất giải pháp; theo đó, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ làm đầu mối hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị y tế, máy thở... phối hợp cùng Trung tâm Y tế huyện Phong Điền, sử dụng cơ sở vật chất sẵn có nơi đây để thành lập bệnh viện dã chiến, sẵn sàng chủ động ứng phó với các cấp độ diễn tiến của dịch COVID-19. Về quy mô và chất lượng nhân sự, máy móc... đây phải là bệnh viện tuyến cuối, nhận điều trị các ca bệnh COVID-19 nặng, hỗ trợ tiếp nhận bệnh nhân từ các tỉnh trong khu vực.

[Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch ở thành phố Cần Thơ]

Bộ trưởng nhấn mạnh hiện tại, Bộ Y tế đang rất lo ngại về tình hình dịch diễn biến phức tạp từ các nước láng giềng, khu vực biên giới Tây Nam có lượng người nhập cảnh có phép lẫn trái phép khá đông. Nguy cơ dịch xâm nhập và bùng phát rất lớn. Vì vậy, ngoài Bệnh viện Dã chiến tại Hà Tiên (Kiên Giang) do Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ đã sẵn sàng, Cần Thơ cần có thêm bệnh viện dã chiến cấp khu vực tại Phong Điền, quy mô ban đầu từ 400 giường bệnh nhưng sẵn sàng tăng lên 800 giường khi có yêu cầu.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, cho biết Cần Thơ đã chủ động thành lập bệnh viện dã chiến quy mô 200 giường. Trước tình hình các nước láng giềng có số ca lây nhiễm COVID-19 tăng chóng mặt, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Cần Thơ đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, siết chặt các biện pháp an ninh đối với người nhập cảnh, xây dựng các kịch bản ứng phó tương ứng với các cấp độ diễn tiến dịch bệnh.

Cùng ngày, Đoàn công tác Bộ Y tế đã có chuyến thăm và làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và Trường Đại học Y Dược Cần Thơ.

Tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bộ trưởng yêu cầu Ban lãnh đạo Bệnh viện phải sớm có định hướng, kế hoạch đưa nơi đây thành bệnh viện hạng đặc biệt vào năm 2023. Đây sẽ là bệnh viện hạng đặc biệt thứ 6 của Việt Nam, với trách nhiệm đầu tàu trong lĩnh vực y tế của cả vùng Tây Nam bộ. Bộ Y tế sẽ hỗ trợ hết mức về cơ sở vật chất, chính sách... để Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ sớm hoàn thành định hướng trên.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì buổi làm việc tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá, trường là đầu tàu trong việc đào tạo nhân lực cho ngành y ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, trường phải có những khung chương trình, loại hình đào tạo chất lượng, mang tầm khu vực và quốc tế. Trường phải là cái nôi cung cấp nhân lực ngành y cao cấp cho cả nước.

Đồng thời, trong bối cảnh dịch COVID-19 như hiện nay, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ cũng phải là cánh tay "nối dài" của Bộ Y tế trong công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ các tỉnh.

Lãnh đạo nhà trường cần tăng cường đào tạo cho toàn bộ sinh viên ngành y, cán bộ y tế của trường về công tác sàng lọc xét nghiệm, phòng, chống dịch trong cộng đồng, điều trị COVID-19.

Trước mắt, phải nâng cao năng lực xét nghiệm COVID-19 tại trường, sẵn sàng khi Bộ Y tế có nhu cầu điều động lên tuyến đầu, tăng cường nhân lực cho khu vực biên giới Tây Nam để phòng, chống dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục