Nhật Bản-Australia duy trì áp lực với Triều Tiên về phi hạt nhân

Hai bên hoan nghênh các bước đi ngoại giao tích cực của Triều Tiên trong năm 2018 với Hàn Quốc và Mỹ, trong đó có cam kết phi hạt nhân hóa toàn diện của Bình Nhưỡng.
Nhật Bản-Australia duy trì áp lực với Triều Tiên về phi hạt nhân ảnh 1Bộ trưởng Quốc phòng Australia Christopher Pyne và Ngoại trưởng Marise Payne cùng Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono và Bộ trưởng Quốc phòng Takeshi Iwaya tại "Đối thoại 2+2" ở Sydney (Australia) ngày 10/10/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 10/10, Nhật Bản và Australia nhất trí duy trì áp lực đối với Triều Tiên trong vấn đề phi hạt nhân hóa thông qua việc triển khai các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Bình Nhưỡng.

Trong cuộc họp giữa ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng hai nước tại Sydney, còn gọi là "Đối thoại 2+2," hai bên hoan nghênh các bước đi ngoại giao tích cực của Triều Tiên trong năm 2018 với Hàn Quốc và Mỹ, trong đó có cam kết phi hạt nhân hóa toàn diện của Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, các bộ trưởng cho rằng hiện vẫn quá sớm để nới lỏng các lệnh trừng phạt theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, do Triều Tiên vẫn chưa có các hành động thực tiễn về việc từ bỏ chương trình hạt nhân.

Phát biểu họp báo sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Australia Marise Payne cho biết hai bên đã nhất trí duy trì áp lực đối với Triều Tiên cho tới khi thấy được "các bước đi cụ thể hướng tới sự phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược tại bán đảo Triều Tiên."

Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono và Bộ trưởng Quốc phòng Takeshi Iwaya cho hay Nhật Bản sẽ hợp tác chặt chẽ với Australia để đảm bảo Bình Nhưỡng tuân thủ các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.

Nhân dịp này, quan chức hai nước cũng cam kết thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực đang diễn ra nhiều thay đổi. Các bộ trưởng khẳng định thúc đẩy một thỏa thuận trao đổi lực lượng giữa hai nước, tạo điều kiện để Nhật Bản và Australia tiến hành các cuộc tập trận chung cũng như các chiến dịch giảm nhẹ thiên tai. Tokyo và Canberra bắt đầu đàm phán thỏa thuận này vào năm 2014.

Bên cạnh đó, các bộ trưởng cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác ba bên với Mỹ để ứng phó với các thách thức tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng tại khu vực Biển Đông và Hoa Đông.

Cuộc gặp này là lần thứ tám hai nước tổ chức "Đối thoại 2+2" kể từ khi cơ chế này bắt đầu vào năm 2007. Cuộc gặp lần trước diễn ra hồi tháng 4/2017 tại Nhật Bản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.