Ngày 26/3, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã cam kết tăng cường khả năng phòng thủ của đất nước trong 5 năm tới sau khi chính phủ nước này đã cập nhật ba văn kiện quan trọng về quốc phòng vào cuối năm ngoái.
Phát biểu tại lễ tốt nghiệp Học viện Quốc phòng ở thành phố Yokosuka, tỉnh Kanagawa, phía Nam thủ đô Tokyo, Thủ tướng Kishida nói: “Chúng tôi sẽ củng cố hoàn toàn năng lực phòng thủ của đất nước trong 5 năm tới.” Nhiệm vụ này "sẽ chỉ hoàn thành sau khi các biện pháp được nêu ra trong ba văn kiện về quốc phòng được triển khai thực hiện."
Theo Thủ tướng Kishida, chính phủ Nhật Bản “đã đưa ra một loạt biện pháp cần thiết để tăng cường sức mạnh phòng thủ của nước này thông qua các mô phỏng rất thực tế."
[Nhật Bản xây thêm nhiều cơ sở quân sự có thể chứa tên lửa]
Trước đó, vào tháng 12/2022, nội các Nhật Bản đã thông qua các dự thảo sửa đổi ba văn bản quan trọng về quốc phòng, gồm bản cập nhật Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS), Chiến lược Quốc phòng và Chương trình Quốc phòng Trung hạn.
Trong chiến lược mới sửa đổi, chính phủ Nhật Bản khẳng định Nhật Bản đang phải đối mặt “với môi trường an ninh phức tạp và xấu nhất” kể từ Thế chiến Thứ hai. Vì vậy, việc phòng thủ tên lửa là chưa đủ để đối phó với “sự tăng cường đáng kể các lực lượng tên lửa” của các quốc gia láng giềng.
Xuất phát từ thực trạng đó, trong NSS, chính phủ Nhật Bản nhấn mạnh nước này cần sở hữu năng lực “thực hiện các cuộc phản công hiệu quả vào lãnh thổ của kẻ thù như một biện pháp tự vệ tối thiểu.”
Điều này đánh dấu một sự thay đổi lớn trong chính sách an ninh của Nhật Bản trong thời hậu chiến, vốn trước đó chỉ tập trung vào phòng vệ. Để tăng cường năng lực quốc phòng, chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng hằng năm lên tương đương 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào tài khóa 2027./.