Nhật Bản cân nhắc triển khai tên lửa hành trình trong tương lai

Nhật Bản đã bắt đầu kiểm tra khả năng triển khai các tên lửa hành trình trong tương lai nhằm đối phó với mối đe dọa liên quan đến các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Nhật Bản cân nhắc triển khai tên lửa hành trình trong tương lai ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: thedrive.com)

Ngày 6/5, truyền thông Nhật Bản cho biết chính phủ nước này đã bắt đầu kiểm tra khả năng triển khai các tên lửa hành trình trong tương lai nhằm đối phó với mối đe dọa liên quan đến các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Hãng tin Kyodo dẫn lời một quan chức chính phủ giấu tên cho biết chính quyền Tokyo mong muốn phân bổ các quỹ để nghiên cứu khả năng đạt năng lực tấn công các cơ sở phát động tấn công của kẻ địch, với chi phí nhiều khả năng trích từ ngân sách cho tài khóa 2018 của chính phủ.

Quan chức này cũng cho biết loại tên lửa nằm trong dự kiến của chính phủ là tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk, loại vũ khí có thể được triển khai trên các tàu trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản.

[Đặc phái viên hạt nhân Hàn-Mỹ-Nhật bàn cách đối phó Triều Tiên]

Đây là loại tên lửa tầm xa có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và đủ khả năng đánh trúng mọi mục tiêu trên lãnh thổ Triều Tiên khi phóng từ chiến hạm trên vùng biển nhật Bản. 

Tuy nhiên, để có thể tích hợp những tên lửa tối tân này trên chiến hạm Nhật Bản nhằm phát triển năng lực tấn công, chính phủ nước này sẽ cần thúc đẩy việc sửa đổi bản Hiến pháp được ban hành sau Chiến tranh thế giới thứ II, trong đó cấm Tokyo duy trì bất kể cuộc chiến tranh tiềm tàng nào.

Trước đó, hôm 3/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công bố một kế hoạch nhằm tìm kiếm sự thay đổi đầu tiên đối với bản Hiến pháp này, theo đó kỳ vọng Hiến pháp sửa đổi sẽ có hiệu lực vào năm 2020.

Theo kế hoạch này, ông Abe đề xuất bỏ 2 đoạn trong Điều 9 của Hiến pháp, trong đó có đoạn "Thành thật mong muốn một nền hòa bình quốc tế dựa trên chính nghĩa và trật tự, người dân Nhật Bản vĩnh viễn từ bỏ chiến tranh như một quyền chủ quyền của đất nước cũng như đe dọa hoặc sử dụng vũ lực như những phương tiện để giải quyết các tranh chấp quốc tế."

Một đoạn khác nêu rõ: "các lực lượng trên bộ, trên biển và trên không quân cũng như các tiềm lực chiến tranh khác sẽ không bao giờ được duy trì. Quyền tham chiến của đất nước sẽ không được công nhận."

Việc sửa đổi các điều khoản quy định từ bỏ chiến tranh để giải quyết các tranh chấp trong Hiến pháp là một trong những mục tiêu chính trị mà Thủ tướng Abe theo đuổi.

Tuy nhiên, việc xem xét lại Điều 9 trong Hiến pháp đang gây tranh cãi trong dư luận Nhật Bản. Theo một cuộc thăm dò dư luận gần đây, 49% số người được hỏi ủng hộ việc sửa đổi Điều 9 trong Hiến pháp, trong khi 47% phản đối.

Về sự cần thiết xem xét lại toàn bộ Hiến pháp trong tương lai, 60% người được hỏi cho rằng điều này là "cần thiết" hoặc "phần nào đó cần thiết" trong khi số người ủng hộ duy trì Hiến pháp hiện hành là 37%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.