Nhật Bản cân nhắc ưu tiên tiêm phòng cho vận động viên Thế vận hội

Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc ưu tiên tiêm vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho các vận động viên tham gia Thế vận hội Olympic và Paralympic sắp tới.
Nhật Bản cân nhắc ưu tiên tiêm phòng cho vận động viên Thế vận hội ảnh 1Tiêm vắcxin ngừa COVID-19. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc ưu tiên tiêm vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho các vận động viên tham gia Thế vận hội Olympic và Paralympic sắp tới.

Hiện tại, so với các nền kinh tế lớn, tiến độ tiêm phòng ở Nhật Bản diễn ra chậm hơn nhiều, trong bối cảnh nước này mới chỉ cấp phép sử dụng một loại vaccine.

Kể từ tháng 2 vừa qua, khoảng 1 triệu người đã được tiêm mũi đầu tiên, và việc tiêm phòng cho người cao tuổi sẽ bắt đầu từ tuần tới.

Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc các phương án để đảm bảo mọi vận động viên tham gia Olympic và Paralympic đều được tiêm phòng trước cuối tháng 6 tới.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Thủ tướng Suga Yoshihide đã tái khẳng định cam kết thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và tổ chức một kỳ Thế vận hội "an ninh và an toàn" mùa Hè này.

Trước Nhật Bản, Hungary và Serbia đã bắt đầu tiêm vaccine cho các vận động viên nước này tham gia Olympic Tokyo.

Động thái trên được đưa ra bất chấp việc  Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) không ủng hộ việc các vận động viên "chen ngang" tiêm vaccine.

[Dịch COVID-19: Thái Lan siết chặt quy định phòng dịch]

Chủ tịch IOC Thomas Bach cho biết việc một số vận động viên người Canada sắp tham dự Olympic Tokyo được tiêm vaccine trước cả các đối tượng cần ưu tiên đã làm mất đi tinh thần của một vận động viên Olympic.

Dự kiến, Olympic Tokyo sẽ diễn ra từ ngày 23/7 đến ngày 8/8, sau đó là Paralympic từ ngày 24/8 đến ngày 5/9.

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định hoãn lịch tiêm vaccine của hãng dược AstraZeneca (Anh/Thụy Điển) vốn dự kiến bắt đầu từ ngày 8/4 cho đối tượng là nhân viên làm việc tại các trường dành cho trẻ khuyết tật, nhân viên phòng y tế, điều dưỡng trường mẫu giáo, cấp I và cấp II.

Ngoài ra, Hàn Quốc cũng tạm dừng việc tiêm vaccine này cho người dưới 60 tuổi.

Quyết định trên được đưa ra nhằm theo dõi kết quả điều tra của Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) về mối liên hệ giữa việc tiêm vaccine và biến chứng gây cục máu đông ở một số trường hợp được báo cáo gần đây.

Nhóm dự kiến sẽ đưa ra kết luận việc có nối lại tiêm chủng của hãng dược này hay không vào cuối tuần.

Trong cuộc họp ngày 8/4, Thủ tướng Chung Sye-kyun đã chỉ thị Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thận trọng xem xét đánh giá của cộng đồng quốc tế về tính an toàn của vaccine nhằm đưa ra kết luận khoa học và công bố kết quả một cách minh bạch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục