Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết quan điểm xuyên suốt là xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính...
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (bên trái) và ông Takio Yamada. Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam (bên phải) phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác hỗ trợ xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, sáng 8/1, Văn phòng Chính phủ và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo trực tuyến “Chia sẻ kinh nghiệm và chính sách mới của Nhật Bản nhằm thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số."

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Takio Yamada chủ trì Hội thảo. Hội thảo được tổ chức tới điểm cầu Nhật Bản và 23 điểm cầu địa phương của Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết đây là Hội thảo lần thứ ba giữa Văn phòng Chính phủ và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam trong lĩnh vực phát triển Chính phủ điện tử và là một trong các hoạt động hợp tác, hỗ trợ của Nhật Bản dành cho Việt Nam trong lĩnh vực triển khai Chính phủ điện tử.

Năm 2020, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 và là một trong số ít quốc gia trên thế giới và khu vực có mức tăng trưởng dương (đạt 2,91%), giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảm đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội.

Một trong những giải pháp có ý nghĩa trong bối cảnh giãn cách xã hội, phòng, chống dịch bệnh nhưng vẫn đảm bảo duy trì các hoạt động của nền kinh tế, đó là ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, công nghệ số hướng tới nền kinh tế số và xã hội số; đây cũng là một xu hướng tất yếu và đang diễn ra mạnh mẽ tại hầu hết các nước.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Việt Nam đã xây dựng và vận hành một số Hệ thống thông tin nền tảng quan trọng của Chính phủ điện tử như trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Cổng dịch vụ công quốc gia đã làm thay đổi mạnh mẽ phương thức làm việc trong các cơ quan nhà nước cũng như giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.

Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi Văn phòng Chính phủ triển khai các hệ thống thông tin này vào khoảng 9.800 tỷ đồng, tương đương 426 triệu USD/năm.

Trong những thành công kể trên, Việt Nam luôn nhận thức có dấu ấn của sự hỗ trợ từ Chính phủ Nhật Bản, mà trực tiếp là Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Văn phòng Nội các và Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Nhấn mạnh trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định phát triển Chính phủ điện tử là xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới và là dư địa để phát triển kinh tế, nền tảng cơ bản để thực hiện khát vọng hội nhập quốc tế của Việt Nam, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết quan điểm xuyên suốt là xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, nâng cao tính công khai, minh bạch, đổi mới phương thức phục vụ. Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử.

[Mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử]

Theo Đại sứ Takio Yamada, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang lây lan trên thế giới, việc phát triển Chính phủ điện tử và Chính phủ số ngày càng quan trọng. Việc triển khai ứng dụng công nghệ số của các cơ quan hành chính Việt Nam trên nhiều phương diện được xem là một trong những giải pháp cung cấp dịch vụ công một cách đa dạng và mang lại giá trị gia tăng cao hơn, tránh tiếp xúc giữa con người và ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh. Việt Nam đã ngăn ngừa, khống chế dịch hiệu quả và được thế giới đánh giá cao.

Ông Takio Yamada bày tỏ ấn tượng với việc Chính phủ Việt Nam đã chủ động ứng phó với dịch bệnh bằng việc nhanh chóng triển khai ứng dụng NCOVI để sớm xác định được những người tiếp xúc với người bệnh.

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Đại sứ Takio Yamada cho hay trong chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Suga đến Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn hợp tác với Nhật Bản trong việc triển khai phát triển Chính phủ số, Chính phủ điện tử tại Việt Nam trong thời gian tới. Triển khai Chính phủ số cũng là một trong những nội dung ưu tiên hàng đầu của Thủ tướng Suga. Tháng 9/2020, Nhật Bản thành lập Cục Kỹ thuật số là cơ quan đầu mối để triển khai Chính phủ số, Chính phủ điện tử.

Nhận định hệ thống Chính phủ điện tử mà Văn phòng Chính phủ đang triển khai là một trong những nỗ lực của Việt Nam trong cải cách hành chính, nhằm hỗ trợ quyết định ra chính sách một cách thuận tiện, nhanh chóng và kịp thời, Đại sứ Takio Yamada cho biết Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục thông qua các hoạt động hợp tác hỗ trợ để đóng góp vào quá trình cải cách của Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới.

Tháng 8/2019, tại Tokyo, Văn phòng Chính phủ Việt Nam và Văn phòng Nội các và Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về phát triển Chính phủ điện tử; Nhật Bản đã hỗ trợ Khóa đào tạo, nghiên cứu cho cán bộ, công chức của Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan về chủ đề “Chính phủ điện tử” thuộc Dự án “Xây dựng nhà nước chuyên nghiệp, hiệu quả nhằm cải thiện môi trường kinh doanh."

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe và trao đổi với chuyên gia Nhật Bản về những chính sách mới của Thủ tướng Nhật Bản Suga để phát triển Chính phủ số và kinh nghiệm số hóa dịch vụ công, thủ tục hành chính, cũng như việc xây dựng chính sách sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Từ chính sách và kinh nghiệm của Nhật Bản, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu và ứng dụng phù hợp với tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị mình; tiếp tục phát huy vai trò người đứng đầu, trực tiếp chỉ đạo, huy động, ưu tiên nguồn lực triển khai các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, gương mẫu, đi đầu trong việc sử dụng chữ ký số cá nhân để phê duyệt các hồ sơ, văn bản điện tử và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ triển khai, chất lượng công việc.

Cùng với đó, đẩy mạnh xử lý, hồ sơ công việc trên môi trường mạng, tăng cường kết nối, liên thông giữa các cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp, trong đó tập trung triển khai nhân rộng Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc tại các bộ, cơ quan ngang bộ, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

Các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa quy trình, thủ tục; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công; tập trung triển khai các hệ thống thông tin phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương và các hệ thống thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp.

“Với quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam, cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ, hiệu quả của bạn bè quốc tế nói chung, của Chính phủ Nhật Bản nói riêng, thông qua sự hợp tác, hỗ trợ và những hội thảo trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm như ngày hôm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục có những bước đi vững chắc trong triển khai Chính phủ điện tử, góp phần vào sự phát triển của đất nước, sự phồn vinh của dân tộc và quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam-Nhật Bản," Bộ trưởng Mai Tiến Dũng bày tỏ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục