Nhật Bản đã công bố Sách trắng Quốc phòng năm 2022

Sách trắng Quốc phòng năm 2022 bao gồm 4 phần, trong đó phần 1 đề cập tới môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản, phần 2 nói về chính sách an ninh và quốc phòng của nước này...
Nhật Bản đã công bố Sách trắng Quốc phòng năm 2022 ảnh 1Tòa nhà bị hư hại do xung đột tại Mariupol, Ukraine. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 22/7, Nhật Bản đã công bố Sách trắng Quốc phòng năm 2022.

Về mặt kết cấu, Sách trắng Quốc phòng năm 2022 bao gồm 4 phần, trong đó phần 1 đề cập tới môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản, phần 2 nói về chính sách an ninh và quốc phòng của nước này, phần 3 mô tả về ba trụ cột quốc phòng và phần cuối đề cập tới các thành phần cốt lõi hình thành nên năng lực quốc phòng của Nhật Bản.

Bên cạnh đó, Sách trắng còn có 4 chuyên đề đặc biệt, tập trung vào các chủ đề "các vấn đề an ninh hiện nay," "khả năng răn đe thúc đẩy hòa bình," "các nỗ lực trong các chiến trường và lĩnh vực mới" và "kiến tạo môi trường an ninh mong muốn."

[Nhật Bản chuẩn bị ra mắt "sách trắng quốc phòng" dành cho học sinh]

Khác với năm ngoái, Bộ Quốc phòng Nhật Bản bổ sung thêm một chương mới đề cập riêng về xung đột quân sự Nga-Ukraine trong phần 1 và một chương khác về việc tăng cường các hoạt động y tế trong phần 4, cùng với các đoạn liên quan tới cơ sở trí tuệ và an ninh kinh tế ở các chương 2 và 4 của phần 4.

Về nội dung cụ thể, trong Sách trắng, Nhật Bản nhấn mạnh bối cảnh cán cân quyền lực toàn cầu đang thay đổi, cạnh tranh chiến lược giữa các nước đang gia tăng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự và các lĩnh vực khác, trong đó nổi bật nhất là cạnh tranh chiến lược đang gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Sự cạnh tranh chiến lược như vậy đang diễn ra thông qua nhiều công cụ, trong đó có mạng xã hội và đôi khi thông qua "chiến tranh lai" kết hợp giữa các biện pháp quân sự và phi quân sự.

Theo Sách trắng, những tiến bộ công nghệ đã làm thay đổi về cơ bản bản chất của an ninh. Các nước tập trung vào việc phát triển và sử dụng cái gọi là "các công nghệ thay đổi cuộc chơi" - đó là các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ siêu âm và đã nhận ra tầm quan trọng của an ninh kinh tế như ngăn chặn sự thất thoát của các công nghệ tiên tiến đó.

Ngoài ra, Sách trắng cho rằng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có Nhật Bản, đang bị tác động mạnh bởi các thay đổi về cán cân quyền lực toàn cầu và đang đối mặt với nhiều thách thức an ninh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.