Nhật Bản đề xuất thỏa thuận tạm thời về chia sẻ chi phí quân sự với Mỹ

Các nguồn tin chính phủ Nhật Bản ngày 31/1 cho biết nước này đã đề xuất với chính quyền tân Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc ký kết một thỏa thuận chia sẻ chi phí quân sự tạm thời có hiệu lực 1 năm.
Nhật Bản đề xuất thỏa thuận tạm thời về chia sẻ chi phí quân sự với Mỹ ảnh 1Quang cảnh Căn cứ không quân Futenma của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ tại Ginowan, tỉnh Okinawa, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhật Bản đã đề xuất với chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden ký một thỏa thuận tạm thời trong thời hạn một năm về chia sẻ chi phí cho việc đồn trú của binh sĩ Mỹ tại quốc gia châu Á trong khi hai nước tiếp tục tiến hành đàm phán về một thỏa thuận có thời hạn dài hơn.

Theo các nguồn tin của Chính phủ Nhật Bản, đề xuất trên đã được Ngoại trưởng nước này Toshimitsu Motegi đưa ra trong cuộc điện đàm hồi tuần trước với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken. 

Theo nguồn tin trên, Washington đã bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất này. Các cuộc đàm phán cấp chuyên viên giữa hai nước dự kiến cũng sẽ đi theo hướng này.

Theo một thỏa thuận song phương, Nhật Bản gánh vác một phần chi phí cho hoạt động duy trì khoảng 55.000 quân nhân Mỹ đồn trú tại quốc gia châu Á. Thỏa thuận thời hạn 5 năm hiện nay sắp hết hạn vào tháng 3 tới. 

Các cuộc đàm phán cấp chuyên viên về một thỏa thuận chia sẻ chi phí quân sự mới đã bắt đầu vào tháng 11/2020 dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump, người vốn chỉ trích Nhật Bản hưởng lợi "một chiều" trong mối quan hệ đồng minh với Mỹ, đồng thời hối thúc Tokyo phải đóng góp nhiều hơn để trang trải chi phí cho quân Mỹ đồn trú.

[Nhật Bản thúc đẩy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở]

Các cuộc đàm phán này đã bị đình trệ cho đến khi Tổng thống Biden lên cầm quyền. Theo kế hoạch, vòng đàm phán tiếp theo giữa hai nước sẽ diễn ra trong tuần này. 

Nhật Bản dành khoản ngân sách gần 200 tỷ yen (1,9 tỷ USD) mỗi năm để trang trải chi phí cho các hoạt động của các căn cứ quân sự Mỹ.

Theo hiệp ước an ninh thời hậu chiến giữa Mỹ và Nhật Bản, binh sĩ Mỹ đồn trú tại Nhật Bản có nhiệm vụ ứng phó với các tình huống bất thường trong khu vực cũng như hỗ trợ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản bảo vệ nước này trước mọi mối đe dọa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.