Nhật Bản và Đức cho biết đã đến lúc cần xem xét lại cách một số thể chế lớn mạnh nhất thế giới - bao gồm cả Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - ứng xử với các nước mới nổi.
Khái niệm “Nam Bán cầu,” để nói về những nước có thu nhập trung bình và thấp, kể cả Ấn Độ, đã trở thành một trọng tâm tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đang diễn ra tại Hiroshima, Nhật Bản.
Nhiều năm nay, Nhật Bản và Đức đã thúc đẩy cải cách Hội đồng Bảo an.
Hai nước này cùng với Brazil và Ấn Độ đang gây sức ép để có ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an.
[G7 nhất trí tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển]
Nỗ lực này đã có được một cú hích mới tại G7 ngày 20/5 khi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Brazil Lula da Silva gặp nhau bên lề hội nghị và nhất trí phối hợp để cải cách Hội đồng Bảo an trên cương vị thành viên không thường trực.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết các tổ chức quốc tế cần thay đổi vì thế giới đang thay đổi.
Phát biểu tại Berlin ngày 15/5, ông Scholz cho rằng: “Bất cứ trật tự quốc tế đang vận hành nào cũng phải phản ánh đặc tính đa cực của thế giới. Thế giới đơn hay lưỡng cực của ngày hôm qua có thể đã định hình dễ dàng hơn, ít nhất vì sức mạnh. Nhưng đó không còn là thế giới mà chúng ta đang sống.”
Sáng kiến trên được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản và các thành viên khác của G7 đang tìm cách cam kết với khu vực Nam Bán cầu, và khi ảnh hưởng của nền kinh tế G7 đang suy giảm.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), hiện các nền kinh tế G7 chỉ chiếm 29,9% GDP toàn cầu, giảm đáng kể so với mức 50,7% vào năm 1980.
Thủ tướng Kishida cho biết vai trò của Nhật Bản là cầu nối khoảng cách giữa G7 với Nam Bán cầu trong những lĩnh vực như an ninh lương thực và năng lượng.
Nhật Bản đã thông báo một chương trình hỗ trợ an ninh mới trong năm nay, mang tên Hỗ trợ An ninh nước ngoài (OSA), nhằm cung cấp thiết bị quân sự cho các nước đang phát triển để tăng cường an ninh./.