Sở Cảnh sát tỉnh Akita của Nhật Bản cho biết chiều 18/5, hai cảnh sát tỉnh này đã bị gấu tấn công khi đang tìm kiếm người mất tích ở trong một khu rừng thuộc thành phố Kazuno.
Cả hai cảnh sát đều được đưa đến bệnh viện điều trị kịp thời và không nguy hiểm đến tính mạng.
Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, hiện trường vụ việc là khu rừng Towada Oyu, thuộc thành phố Kazuno, phía Nam hồ Towada, giáp ranh giữa tỉnh Akita và tỉnh Aomori.
Một cảnh sát khoảng 20 tuổi bị thương ở mặt và vai, người còn lại khoảng 40 tuổi bị thương ở tay và chân sau khi bị một con gấu đen tấn công.
Hai cảnh sát nói trên nằm trong số 9 người được triển khai tìm kiếm trong khu rừng sau khi người dân địa phương thông báo về 2 trường hợp mất tích ở khu rừng này vào các ngày 15 và 18/5, đều là nam giới trong độ tuổi 60.
Hiện tại vẫn chưa tìm thấy 2 người mất tích, công tác tìm kiếm sẽ được tiếp tục vào ngày 19/5 nhưng sẽ có sự hỗ trợ của máy bay trực thăng để đảm bảo an toàn cho lực lượng tìm kiếm.
Nhiều địa phương miền Núi tại Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng gấu hung hãn tấn công người trong những năm gần đây.
Theo Bộ Môi trường Nhật Bản, trong tài khóa 2023, đã có 219 trường hợp ghi nhận bị gấu tấn công, 6 người tử vong.
Hồi đầu tháng Ba vừa qua, thành phố Hanamaki, tỉnh Iwate đã tiến hành lắp đặt camera giám sát có sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện kịp thời những con gấu tìm cách tiếp cận khu vực dân cư. Camera giám sát có thiết bị cảm biến nhiệt sẽ tự động chụp ảnh và sử dụng AI để phân tích hình ảnh.
Nếu xác định chính xác con vật đó là gấu thì một email tự động sẽ được gửi đến đường dây nóng của chính quyền thành phố. Sau đó, hiệp hội săn bắn địa phương sẽ lập tức đến hiện trường để đặt bẫy hoặc xua đuổi chúng vào rừng.
Từ tháng Ba đến nay, thành phố đã lắp đặt 23 camera giám sát nhưng đến nay chưa phát hiện trường hợp nào gấu đến gần khu dân cư.
Trong năm tài chính 2023, thành phố Hanamaki đã ghi nhận 30 báo cáo về việc người dân phát hiện thấy gấu, nhiều gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Do đó, để phòng ngừa, thành phố quyết định lắp thêm 5 camera giám sát trong tháng Năm.
Theo Sở cảnh sát các địa phương khu vực miền núi, mùa Xuân là thời điểm gấu thường xuất hiện và tấn công người sau thời gian ngủ đông.
Thời điểm này tình trạng của gấu khá tồi tệ vì đói và thường có xu hướng hung hăng, dễ bị kích động và đặc biệt rất nhạy cảm với con người. Vì thế, những người vào rừng cần chú ý thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn như đi theo nhóm đông người; mang theo chuông hoặc radio; mang theo bình xịt chuyên dụng để xua đuổi gấu…/.
Nhật Bản ứng dụng trí tuệ nhân tạo để ngăn gấu hoang dã tấn công con người
Theo một nguồn tin chính phủ Nhật Bản, công nghệ Trí tuệ Nhân tạo (AI) sẽ xử lý các hình ảnh ghi được từ camera an ninh để phát hiện gấu và thông báo tới cơ quan chức năng.