Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 28/5, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp ở 9 tỉnh, thành, trong đó có thủ đô Tokyo, tới ngày 20/6, chủ yếu do hệ thống y tế ở nhiều địa phương vẫn còn căng thẳng cho dù tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 đang chậm dần.
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa Olympic Tokyo sẽ khai mạc. Điều này khiến không ít người hoài nghi về khả năng Nhật Bản có thể tổ chức Thế vận hội mùa Hè này theo đúng kế hoạch.
Phát biểu tại cuộc họp với nhóm chuyên gia cố vấn, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Yasutoshi Nishimura, người phụ trách công tác ứng phó với dịch COVID-19 của Chính phủ Nhật Bản, nhấn mạnh số ca nhiễm mới vẫn ở mức cao và nhiều bệnh viện vẫn không đủ giường bệnh cho các bệnh nhân COVID-19, nhất là ở khu vực Kansai.
[Chuyên gia Nhật cảnh báo nguy cơ lây lan dịch bệnh khi tổ chức Olympic]
Trong khi đó, số ca nguy kịch trên toàn quốc vẫn ở mức 1.400 ca, đặt toàn bộ hệ thống y tế vào tình trạng căng thẳng.
Mặt khác, sự cảnh giác cao nhất là cần thiết trong bối cảnh có những quan ngại ngày càng tăng về khả năng biến thể xuất hiện lần đầu ở Ấn Độ có thể sẽ lan rộng hơn.
Liên quan tới chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19, Bộ trưởng Nishimura cho rằng chương trình tiêm chủng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc ngăn chặn các ca nguy kịch, đồng thời khẳng định chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình này với mục tiêu hoàn thành việc tiêm phòng cho người cao tuổi càng sớm càng tốt.
Chính phủ Nhật Bản bắt đầu áp dụng tình trạng khẩn cấp lần thứ 3 ở thủ đô Tokyo và ở 3 tỉnh phía Tây gồm Osaka, Kyoto và Hyogo từ ngày 25/4.
Trong tháng 5, chính quyền của Thủ tướng Suga Yoshihide đã lần lượt đưa thêm các tỉnh Aichi và Fukuoka vào danh sách vào ngày 12/5, Hokkaido, Okayama và Hiroshima vào ngày 16/5 và Okinawa vào ngày 23/5. Ngoại trừ Okinawa, tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 8 tỉnh còn lại sẽ hết hạn vào ngày 31/5.
Cùng ngày, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định gia hạn các biện pháp phòng dịch trọng điểm ở 5 tỉnh, gồm Saitama, Chiba, Kanagawa, Gifu và Mie, tới ngày 20/6, trong khi vẫn giữ nguyên thời hạn áp dụng biện pháp này đối với 3 tỉnh, gồm Gunma, Ishikawa và Kumamoto, tới ngày 13/6.
Việc ban bố tình trạng khẩn cấp và áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm đã góp phần giúp giảm số ca nhiễm mới trên toàn quốc nhưng theo Thủ tướng Suga, “về tổng thể, tình hình rất khó dự đoán.”
Ngày 27/5, Nhật Bản chỉ ghi nhận thêm 4.141 ca nhiễm mới, giảm mạnh so với mức đỉnh 7.766 ca của đợt bùng phát thứ 4 này được ghi nhận vào ngày 9/5. Số ca tử vong cũng giảm còn 119 ca, nhưng số ca nguy kịch vẫn ở mức cao (1.371 ca).
Trong số 10 tỉnh, thành đang áp dụng tình trạng khẩn cấp, chỉ có Okinawa có số ca nhiễm mới tăng so với một tuần trước đó lên 240 ca, trong khi số ca nhiễm mới ở 9 tỉnh, thành còn lại đều giảm.
Đáng chú ý, số ca nhiễm mới bình quân trong tuần từ 21-27/5 ở thủ đô Tokyo giảm 16,9% so với tuần trước đó xuống còn 585 ca/ngày. Tuy nhiên, tỉnh Kochi ở phía Tây Nam lại ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục (38 ca).
Trong một diễn biến liên quan khác, ngày 28/5, Bộ trưởng Cải cách Hành chính Taro Kono, người phụ trách chương trình tiêm chủng của Chính phủ, cho biết tính tới ngày 27/5, có tổng cộng 10,74 triệu mũi tiêm vaccine COVID-19 đã được thực hiện trên khắp cả nước, trong đó chủ yếu cho nhân viên y tế và người cao tuổi.
Tuy nhiên, theo ông Kono, tỷ lệ tiêm chủng vẫn thấp hơn so với mục tiêu 1 triệu mũi tiêm vaccine/ngày do Thủ tướng Suga đặt ra.
Giới chức y tế Nhật Bản đang phải đối mặt với ba thách thức lớn gồm: đảm bảo đủ nguồn cung vaccine, đối phó với tình trạng thiếu hụt nhân lực có khả năng tiêm vaccine và thuyết phục người trẻ tuổi tiêm vaccine.
Ông Kono cho biết thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực để đảm bảo đủ vaccine cho người dân và đang cố gắng đảm bảo đủ nhân viên cho các cơ sở tiêm chủng.
Khi việc tiêm vaccine cho người cao tuổi hoàn tất, Chính phủ sẽ tập trung cho chiến dịch thuyết phục thanh niên tiêm phòng./.