Chính phủ Nhật Bản cho biết đang theo dõi chặt chẽ cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc với hy vọng tăng cường phối hợp với chính quyền sắp tới của Seoul để giải quyết các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa ngày càng gia tăng từ Triều Tiên.
Phát biểu trước báo giới ngày 9/5, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh Hàn Quốc là quốc gia láng giềng quan trọng nhất có chung các lợi ích chiến lược với Nhật Bản. Theo ông, sự hợp tác, phối hợp giữa hai nước là rất cần thiết cho hòa bình và ổn định của khu vực, trong đó có việc giải quyết vấn đề Triều Tiên. Vì vậy, Nhật Bản mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với chính quyền mới của Hàn Quốc trong nhiều lĩnh vực.
Ngoài mối quan tâm chung là chương trình hạt nhân của Triều Tiên, giới chức Nhật Bản cũng đề cập tới vấn đề "phụ nữ mua vui," vốn là một điểm nhạy cảm trong quan hệ giữa hai nước.
Liên quan vấn đề này, Ngoại trưởng Kishida khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục nhấn mạnh với chính phủ mới ở Hàn Quốc về "tầm quan trọng của việc thực thi kiên định thỏa thuận Nhật-Hàn," được hai nước ký kết hồi tháng 12/2015 nhằm giải quyết "triệt để và dứt điểm" vấn đề phụ nữ mua vui.
Bất chấp thỏa thuận trên, tháng 12 năm ngoái, một tổ chức dân sự Hàn Quốc đã dựng bức tượng “phụ nữ mua vui” bên ngoài tòa lãnh sự Nhật Bản tại thành phố Busan, Hàn Quốc. Sự việc này đã khiến Nhật Bản triệu hồi Đại sứ tại Hàn Quốc và tuyên bố việc làm của phía Hàn Quốc là trái với thỏa thuận song phương. Theo đó, Chính phủ Nhật Bản đã xin lỗi tất cả các nạn nhân từng phải chịu đựng những tổn thương về thể xác và tinh thần.
Năm 2016, Nhật Bản cũng đã đóng góp 1 tỷ yen (tương đương 8,9 triệu USD) vào quỹ do Hàn Quốc lập ra để hỗ trợ các nạn nhân và gia đình họ. Ước tính có hơn 200.000 phụ nữ, phần lớn là phụ nữ trên bán đảo Triều Tiên, đã bị ép buộc làm nô lệ tình dục cho binh sỹ phátxít Nhật trong giai đoạn từ năm 1910-1945.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Nhật Bản Kishida được đưa ra đúng thời điểm cử tri Hàn Quốc đi bỏ phiếu bầu chọn Tổng thống mới, thay thế cựu Tổng thống Park Geun-hye bị phế truất do liên quan tới bê bối tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Điểm đáng chú ý trong cuộc đua vào Nhà Xanh (Phủ Tổng thống) Hàn Quốc lần này là cả năm ứng cử viên sáng giá đều chủ trương hủy bỏ hoặc xem xét lại thỏa thuận Nhật-Hàn ký năm 2015./.