Ngày 16/11, Cơ quan quản lý hạt nhân (NRA) đã chấp thuận kế hoạch tiếp tục vận hành thêm 20 năm nữa đối với một lò phản ứng hạt nhân ở miền Trung của Nhật Bản, vốn đã có tuổi thọ 40 năm.
Đây là lò phản ứng hạt nhân thứ ba được nối lại hoạt động theo quy định mới được đưa ra sau sự cố tại 3 lò phản ứng ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima hồi năm 2011.
Lò phản ứng số 3 tại nhà máy điện hạt nhân Mihama của Công ty Điện lực Kansai (KEPCO) đã được phép hoạt động thêm 20 năm nữa, đến năm 2036, sau khi lò này đến cuối năm nay hoạt động được 40 năm.
Lò phản ứng này, nằm bên bờ Biển Nhật Bản, đã bắt đầu đi vào hoạt động phục vụ mục đích thương mại hồi năm 1976 và ngừng hoạt động để kiểm tra an toàn kể từ năm 2011 đến nay.
Trước đó, hồi tháng Sáu vừa qua, 2 lò phản ứng khác vốn có tuổi thọ được hơn 40 năm, ở gần nhà máy Takahama tại tỉnh Fukui cũng đã được phép vận hành thêm 20 năm.
Theo các quy định được siết chặt sau thảm họa hạt nhân năm 2011, các lò phản ứng hạt nhân được phép hoạt động tối đa 40 năm, nhưng có thể gia hạn thêm 20 năm nếu NRA cho phép.
Trận động đất và sóng thần ngày 11/3/2011 đã gây ra sự cố rò rỉ hạt nhân, kéo theo việc tất cả các lò phản ứng thương mại ở Nhật Bản ngừng hoạt động từ tháng 9/2013.
Xác định năng lượng hạt nhân là nguồn điện năng chủ chốt trong chính sách năng lượng dài hạn bất chấp sự cố nêu trên, Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực thúc đẩy tái khởi động 48 lò phản ứng bị tạm dừng hoạt động để kiểm tra an toàn.
Tokyo dự kiến sẽ nâng tỷ trọng năng lượng hạt nhân trong gói điện năng tổng thể lên ít nhất 20% trong năm 2030./.