Nhật Bản khiếu nại quân đội Mỹ về trực thăng bay thấp ở Tokyo

Khoảng 80% chuyến bay của quân đội Mỹ bay qua khu vực Setagaya của Tokyo để tới căn cứ Không quân Yokota hoặc căn cứ Không-Hải Quân Atsugi và Hardy Barracks nằm ở trung tâm Thủ đô của Nhật Bản.
Nhật Bản khiếu nại quân đội Mỹ về trực thăng bay thấp ở Tokyo ảnh 1Máy bay trực thăng bay phía sau tháp ăngten cao 220m của Bộ Quốc phòng ở trung tâm Tokyo ngày 11/8/2020. (Nguồn: Mainichi)

Tờ Mainichi của Nhật Bản đã thực hiện một cuộc theo dõi hoạt động của máy bay quân sự Mỹ ở Tokyo và đưa tin rằng Bộ Quốc phòng Nhật Bản từ tháng 4/2017-12/2020 đã gửi đến quân đội Mỹ không dưới 178 khiếu nại về việc trực thăng quân sự Mỹ bay thấp ở Tokyo.

Khoảng 80% chuyến bay của quân đội Mỹ bay qua khu vực Setagaya của Tokyo để tới căn cứ Không quân Yokota hoặc căn cứ Không-Hải Quân Atsugi và Hardy Barracks nằm ở trung tâm Thủ đô của Nhật Bản.

Theo một nhà quan sát, những máy bay trực thăng quân sự bay thấp này đang gặp phải sự phản đối của người dân Tokyo trong những năm gần đây, đồng thời cảnh báo về "một cơn ác mộng" nếu một vụ tai nạn xảy ra.

[Hé lộ thời điểm diễn ra cuộc gặp cấp cao Mỹ và Nhật Bản]

Trực thăng quân sự của Mỹ từ lâu đã được miễn trừ khỏi các quy định về độ cao tối thiểu cho máy bay dân sự theo các thỏa thuận được ký kết sau khi Tokyo đầu hàng vào giai đoạn cuối Chiến tranh thế giới thứ 2, tuy nhiên ưu đãi miễn trừ này đang gặp phải sự phản đối từ người dân Nhật Bản do những lo ngại về hậu quả của một vụ trục trặc máy bay hoặc buộc phải hạ cánh khẩn cấp ở một đô thị lớn như Tokyo, nơi có ít không gian mở.

Giáo sư về quan hệ quốc tế và quốc phòng tại đại học Daito Bunka (Nhật Bản), ông Garren Mulloy cho biết "không có gì lạ khi các mảnh vỡ rơi khỏi máy bay trực thăng và thường là các mảnh khá nhỏ, song ngay cả những mảnh nhỏ này cũng có thể gây ra nhiều thiệt hại. Nếu một chiếc máy bay lao xuống Tokyo, hoặc một chiếc trực thăng buộc phải hạ cánh ở khu vực đông dân cư đó sẽ là ác mộng đối với người dân."

Từ năm 2004, Chính quyền Tokyo và khu vực Minato đã liên tục kêu gọi đóng cửa vĩnh viễn căn cứ Hardy Barracks. Tuy nhiên, Chính quyền Trung ương Nhật Bản cho biết căn cứ này được bảo vệ theo thỏa thuận Tình trạng Lực lượng với Mỹ và chỉ có thể kết thúc khi được sự đồng ý của Washington./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.