Ngày 22/8, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), cơ quan điều hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 của Nhật Bản, đã bắt đầu cho đóng băng phần cuối cùng của "bức tường băng" trị giá 320 triệu USD được xây ngầm dưới lòng đất để ngăn nước nhiễm phóng xạ chảy từ nhà máy này ra biển.
TEPCO đã bắt đầu bơm chất làm lạnh để đóng băng 7m cuối cùng của bức tường dài 1,5km chạy ngầm dưới lòng đất bao quanh 4 lò phản ứng hạt nhân nằm dọc bờ biển Đông Bắc Nhật Bản. Chất làm lạnh sẽ được chuyển đi trong một hệ thống đường ống ngầm để đưa tới phần đất cần đóng băng. Dự kiến, cần khoảng hơn 2 tháng nữa để hoàn tất bức tường băng này.
TEPCO bắt đầu dự án trên từ tháng 3/2016. Bức tường sâu 30m được thiết kế để ngăn nước ngầm từ các vùng núi lân cận chảy vào khu vực xảy ra sự cố và sau đó chảy vào biển Thái Bình Dương.
[Chính phủ Nhật Bản và TEPCO phải chịu trách nhiệm sự cố Fukushima]
Hiện tại, với bức tường băng ở trạng thái gần hoàn thiện, mỗi ngày ước tính có khoảng 140 tấn nước ngầm chảy vào khu vực các lò hạt nhân. Nhân viên của TEPCO phải bơm số nước này ra và trữ tại các bể chứa của nhà máy.
TEPCO ước tính sau khi hoàn tất, bức tường băng có thể giữ lượng nước ngầm chảy vào khu nhà máy dưới mức 100 tấn. Tuy nhiên, một số chuyên gia chưa thực sự thuyết phục trước các số liệu của TEPCO. Cơ quan quản lý hạt nhân Nhật Bản (NRA) cho biết sẽ giám sát chặt chẽ và đánh giá hiệu quả của bức tường sau khi hoàn thành.
Trận động đất mạnh 9 độ Richter xảy ra ngày 11/3/2011 ngoài khơi bờ biển Đông Bắc Nhật Bản đã gây sóng thần lớn tàn phá tất cả các thị trấn và làng mạc dọc bờ biển, khiến hơn 18.500 người thiệt mạng và làm 3 lò phản ứng của nhà máy Fukushima số 1 tan chảy. Đây được xem là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất kể từ sau vụ Chernobyl năm 1986.
Để hạ nhiệt các thanh nhiên liệu bị nóng chảy trong sự cố, Nhật Bản đã sử dụng một lượng nước rất lớn và nguồn nước nhiễm xạ này sau đó đã chảy vào môi trường.
Nước nhiễm xạ từ nhà máy hạt nhân Fukushima được tìm thấy trên biển Thái Bình Dương, thậm chí tận ở bờ biển Tây nước Mỹ. Công tác dọn nước nhiễm xạ hiện vẫn là vấn đề nhức nhối đối với Nhật Bản trong khi giới chuyên gia cảnh báo việc này có thể kéo dài tới hàng thập kỷ./.