Nhật Bản kiện thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc

Nhật Bản kiện thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc ra tòa

Chính phủ Nhật Bản đệ đơn kiện đòi thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc bồi thường thiệt hại do đâm tàu cá vào tàu của Lực lượng bảo an biển Nhật Bản.
Nhật Bản kiện thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc ra tòa ảnh 1Thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc Chiêm Kỳ Hùng. (Nguồn: AP)

Chính phủ Nhật Bản ngày 12/2 đã đệ đơn kiện ra Toà án quận Naha đòi thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc bồi thường thiệt hại do hành vi đâm tàu cá vào tàu của Lực lượng bảo an biển Nhật Bản (JCG) trên vùng biển ngoài khơi quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9/2010.

Thuyền trưởng 44 tuổi Chiêm Kỳ Hùng đã không đáp lại yêu cầu lặp đi lặp lại về khoản thiệt hại 14,29 triệu yen mà Trụ sở JCG phải bỏ ra để khắc phục.

Ông Akihiro Ota, Bộ trưởng Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch, cho biết cũng trong ngày 12/2, JCG đã công bố đoạn video về cú va chạm giữa tàu cá Trung Quốc và tàu của JCG.

Nhà chức trách đã quyết định tiến hành động thái về pháp lý trước khi quyền bồi thường thiệt hại về mặt pháp lý kết thúc ngày 20/2.

Theo nội dung đơn kiện, tàu cá Trung Quốc đã hoạt động trên hải phận Nhật Bản gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngày 7/9/2010. Sau đó, tàu Trung Quốc đã húc và gây thiệt hại cho hai tàu tuần tra của lực lượng bản an biển có tên Mizuki và Yonakuni sau khi JCG đã lên tiếng cảnh báo.

Chính phủ Nhật Bản đã 11 lần yêu cầu thuyền trưởng Chiêm Kỳ Hùng chi trả cho những thiệt hại nêu trên nhưng ông Chiêm đã không đáp lại.

Cả Trung Quốc và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát với tên gọi Điếu Ngư và Điếu Ngư Đài. Quần đảo này là trung tâm của căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc sau khi vị thuyền trưởng này bị bắt làm bùng nổ cuộc đối đầu ngoại giao giữa Nhật Bản và Trung Quốc.

Ông Chiêm Kỳ Hùng sau đó đã được phía Nhật Bản phóng thích.

Đoạn video về vụ việc trên đã được ông Masaharu Isshiki, một cựu thành viên JCG, làm rò rỉ lên mạng chia sẻ video trực tuyến Youtube hồi tháng 11/2010, gây tranh cãi trên toàn quốc về nghĩa vụ của nhân viên công vụ về việc bảo vệ các tài liệu mật của chính phủ.

JCG đã tiết lộ đoạn phim ghi hình về vụ va chạm như là bằng chứng và tài liệu trong vụ kiện dân sự để công khai trước công chúng.

Ông Ota cho biết đoạn ghi hình này không vi phạm luật bảo đảm bí mật quốc gia mới ban hành thời gian gần đây và khẳng định đây là quyết định chung của Chính phủ Nhật Bản./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.