Nhật Bản muốn từng bước tiến tới giải quyết vấn đề quần đảo Nam Kuril

Nhật Bản có ý định từng bước tiến tới giải quyết vấn đề Vùng lãnh thổ phương Bắc, khu vực hiện do Nga kiểm soát và gọi là quần đảo Nam Kuril, và ký hiệp ước hòa bình với Nga.
Nhật Bản muốn từng bước tiến tới giải quyết vấn đề quần đảo Nam Kuril ảnh 1Quần đảo tranh chấp do Nga kiểm soát và gọi là Nam Kuril, trong khi Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. (Ảnh: Shutterstock/TTXVN)

Trong cuộc gặp người dân Hokkaido ngày 1/12, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cho biết chính quyền nước này có ý định từng bước tiến tới giải quyết vấn đề Vùng lãnh thổ phương Bắc, khu vực hiện do Nga kiểm soát và gọi là quần đảo Nam Kuril, và ký hiệp ước hòa bình với Nga.

Đài NHK dẫn lời Thủ tướng Suga nêu rõ: "Mặc dù 75 năm đã trôi qua..., vấn đề Vùng lãnh thổ phương Bắc vẫn chưa được giải quyết và hiệp ước hòa bình vẫn chưa được ký. Chúng tôi tin rằng vấn đề này phải được giải quyết càng sớm càng tốt. Hồi tháng 9 vừa qua, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, tôi đã thông báo với ông ấy về ý định của tôi là chấm dứt vấn đề này mà không giao nó cho các thế hệ tương lai. Chúng tôi dự định sẽ tiếp tục từng bước hướng tới giải quyết vấn đề Vùng lãnh thổ phương Bắc và tiến tới hiệp ước hòa bình, đó là đường lối chính cho đất nước chúng tôi."

[Nga-Nhật nhất trí tiếp tục các cuộc đàm phán ký kết hiệp ước hòa bình]

Trước đó, ngày 16/10, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nhất trí sẽ tiếp tục đàm phán về việc ký kết hiệp ước hòa bình, bao gồm vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Quan hệ giữa Nhật Bản và Nga lâu nay vẫn căng thẳng trong bối cảnh hai nước chưa ký hiệp ước hòa bình sau khi Chiến tranh Thế giới thứ 2 kết thúc. Trở ngại chính là do tranh chấp chủ quyền biển đảo.

Tháng 11/2018, Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từng nhất trí tăng cường các nỗ lực nhằm giải quyết tranh chấp dựa trên Tuyên bố chung năm 1956 giữa Nhật Bản và Liên Xô trước đây.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán tới nay vẫn chưa đạt được tiến triển cụ thể nào.

Hiến pháp Nga sửa đổi được thông qua vào tháng 7/2020 đã quy định cấm chuyển nhượng lãnh thổ, một động thái thể hiện thái độ không nhượng bộ của Nga xung quanh vấn đề này, khiến cho triển vọng giải quyết tranh chấp giữa Nga và Nhật Bản càng trở nên khó khăn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.