Nhật Bản phản đối tàu của Trung Quốc xâm phạm lãnh hải

Từ ngày 8-10/5, các tàu hải cảnh Trung Quốc đã liên tục 3 lần tiếp cận, đuổi theo hoặc lại gần một số tàu cá Nhật Bản tại vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp trên Biển Hoa Đông.
Nhật Bản phản đối tàu của Trung Quốc xâm phạm lãnh hải ảnh 1Tàu hải giám Haijian 8002 của Trung Quốc trong một cuộc tuần tra gần quần đảo tranh chấp với Nhật Bản trên biển Hoa Đông. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 11/5, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã chỉ trích việc tàu hải cảnh Trung Quốc liên tục xâm phạm vùng lãnh hải của Nhật Bản và truy đuổi tàu cá nước này.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ, Chánh văn phòng Nội các Suga cho biết Tokyo liên tiếp nhận được báo cáo về các vụ việc liên quan tới hành động của tàu Trung Quốc và đã ngay lập tức nhiều lần bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với Bắc Kinh thông qua các kênh ngoại giao.

Quan chức Nhật Bản này cảnh báo hành động của Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng tới sự hợp tác của cộng đồng quốc tế nói chung, trong đó có giữa Nhật Bản và Trung Quốc, trong công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Ông Suga kêu gọi Bắc Kinh có các hành động mang tính xây dựng hơn.

[Tàu Trung Quốc đuổi tàu cá Nhật Bản gần quần đảo tranh chấp]

Từ ngày 8-10/5, các tàu hải cảnh Trung Quốc đã liên tục 3 lần tiếp cận, đuổi theo hoặc lại gần một số tàu cá Nhật Bản tại vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp trên Biển Hoa Đông hiện do Nhật Bản kiểm soát và gọi là Senkaku trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) đã yêu cầu các tàu Trung Quốc rời khỏi vùng biển này, đồng thời triển khai một tàu tuần tiễu tới bảo vệ tàu cá.

Theo báo cáo của JCG, các tàu hải cảnh Trung Quốc đã liên tục hoạt động trong vùng lãnh hải của Nhật Bản trong suốt 26 giờ. Các sự việc liên tiếp diễn ra khiến vùng biển này trở nên căng thẳng.

Quần đảo Senkaku là nhóm đảo nhỏ nằm cách đảo chính của tỉnh Okinawa, Nhật Bản, khoảng 400 km về phía Tây.

Quần đảo này hiện do Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và thường xuyên đưa tàu hoặc máy bay đến vùng biển này.

Quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc căng thẳng trong nhiều năm do các vấn đề lịch sử và tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo nói trên.

Thời gian gần đây, quan hệ hai nước đang có những tiến triển tích cực để chuẩn bị cho chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, sau khi chuyến thăm này bị hoãn lại do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tình hình tại khu vực tranh chấp có dấu hiệu phức tạp trở lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.