Nhật Bản: Phán quyết của PCA có tính ràng buộc pháp lý

Nhật Bản: Phán quyết của PCA về Biển Đông có tính ràng buộc pháp lý

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida cho rằng phán quyết của PCA là phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc pháp lý, theo đó các bên liên quan phải tuân thủ phán quyết này.
Nhật Bản: Phán quyết của PCA về Biển Đông có tính ràng buộc pháp lý ảnh 1Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 12/7, sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay, Hà Lan ra phán quyết về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida ra tuyên bố cho rằng phán quyết của PCA là phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc pháp lý, theo đó các bên liên quan phải tuân thủ phán quyết này.

Trong tuyên bố, Ngoại trưởng Kishida nêu rõ Nhật Bản kiên định ủng hộ việc tôn trọng quy định luật pháp và sử dụng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết các tranh chấp trên biển.

Theo phán quyết của PCA, yêu sách của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong "đường 9 đoạn" là trái với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Phán quyết khẳng định Trung Quốc đã gây ra những nguy hại lâu dài đối với hệ sinh thái dải san hô ở quần đảo Trường Sa. Trung Quốc không có căn cứ lịch sử nào về vùng biển ở Biển Đông và Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về "các quyền lịch sử" đối với những nguồn tài nguyên trong cái mà Bắc Kinh gọi là "đường 9 đoạn."

PCA cũng nhấn mạnh Trung Quốc đã can thiệp vào các quyền đánh bắt truyền thống của Philippines tại bãi Scarborough trên Biển Đông.

Bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với 80% diện tích Biển Đông thông qua yêu sách "đường 9 đoạn" hay "đường lưỡi bò."

Trung Quốc cũng liên tục bồi lấp, xây dựng hàng loạt cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Ngày 22/1/2013, Philippines đã đệ đơn lên PCA kiện yêu sách của Trung Quốc về quyền chủ quyền, quyền tài phán và "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong "đường 9 đoạn" trái với UNCLOS 1982 vượt quá những giới hạn mà Trung Quốc có thể đòi hỏi theo Công ước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.