Nhật Bản quyết định mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp

Tình trạng khẩn cấp ở tám tỉnh sẽ có hiệu lực đến ngày 12/9, trong bối cảnh Nhật Bản đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm lớn nhất kể từ khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát.
Nhật Bản quyết định mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Ngày 25/8, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định đưa thêm tám tỉnh vào danh sách áp dụng tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm lớn nhất kể từ khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bắt đầu bùng phát ở nước này vào đầu năm 2020.

Đây là lần thứ ba Chính phủ Nhật Bản mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp kể từ đầu tháng 7/2021.

Các tỉnh được đưa vào danh sách áp dụng tình trạng khẩn cấp lần này gồm Hokkaido ở phía Bắc, Miyagi, Gifu, Aichi ở miền Trung và Mie, Shiga, Okayama, Hiroshima ở phía Tây.

Tình trạng khẩn cấp ở tám tỉnh này sẽ có hiệu lực đến ngày 12/9 giống như 13 tỉnh, thành khác, trong đó có thủ đô Tokyo.

Cùng với việc mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp, Chính phủ Nhật Bản cũng đưa thêm bốn tỉnh khác vào danh sách khu vực phòng dịch trọng điểm, gồm Kochi, Saga, Nagasaki và Miyazaki.

Kể từ đầu tháng Bảy đến nay, dịch COVID-19 đã bùng phát dữ dội ở Nhật Bản. Ngày 24/8, nước này ghi nhận thêm 21.569 ca mắc mới, cao hơn ba lần so với mức đỉnh của làn sóng lây nhiễm thứ tư diễn ra vào tháng 4 và 5/2021. Do số lượng ca mắc mới liên tục tăng, nhiều bệnh viện đã rơi vào tình trạng quá tải, khiến nhiều bệnh nhân COVID-19 không được nhập viện và phải tự chữa trị ở nhà.

[COVID-19: Các dữ liệu phản ánh diễn biến đáng lo ngại tại Nhật Bản]

Theo đài truyền hình NHK, riêng Tokyo hiện có khoảng 25.000 lượng bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng đang tự cách ly ở nhà, trong khi số bệnh nhân phải nhập viện đã vượt ngưỡng 4.000 người lần đầu tiên kể từ khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát ở nước này.

Điều đáng lo ngại là Lambda - một biến thể nguy hiểm của virus SARS-CoV-2, đã xuất hiện ở Nhật Bản.

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW), tính tới ngày 24/8, nước này đã phát hiện 3baa nhiễm biến thể Lambda, trong đó hai ca mới nhất được phát hiện vào giữa tháng này đến từ Peru. Cả hai đều nhập cảnh vào Nhật Bản vào ngày 12/8 tại sân bay Haneda và không có bất cứ triệu chứng nào.

Phát biểu tại một phiên họp của Hạ viện, ông Shigeru Omi, Trưởng nhóm chuyên gia cố vấn cho Chính phủ về ứng phó với dịch COVID-19, đề nghị chính quyền một số địa phương cân nhắc kéo dài thời gian nghỉ Hè của học sinh để khống chế dịch bệnh.

Theo ông Omi, dịch bệnh đang lây lan chậm hơn ở Tokyo, nhưng số lượng F0 vẫn chưa giảm nhiều. Vì vậy, vẫn còn quá sớm để xác định khi nào số ca mắc mới sẽ giảm mạnh.

Trong nỗ lực khống chế dịch bệnh, theo Chánh Văn phòng Nội các Katsunobu Kato, Chính phủ đang cân nhắc sử dụng quỹ dự phòng trong tài khóa 2021 để mua thêm vaccine ngừa COVID-19.

Trong khi đó, theo đài truyền hình NHK, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ cung cấp 800.000 bộ kit xét nghiệm kháng nguyên cho các trường mẫu giáo và trường học từ đầu tháng Chín.

Các bộ kit xét nghiệm này sẽ được sử dụng trong trường hợp phát hiện học sinh có triệu chứng như sốt nhưng không thể đi khám bác sỹ hoặc về nhà ngay lập tức./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.