Ngày 24/1, Nhật Bản cam kết "không bao giờ từ bỏ" các nỗ lực nhằm giải cứu hai con tin là công dân nước này bị các tay súng khủng bố bắt cóc. Hiện, vẫn chưa có thông tin cập nhật nào về số phận của hai con tin sau khi hạn chót để Chính phủ Nhật Bản nộp tiền chuộc đã trôi qua một ngày.
Phát biểu với báo giới, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yasuhide Nakayama, người đang dẫn đầu các nỗ lực giải cứu con tin, cho biết đây là một việc khó nhưng Nhật Bản sẽ nỗ lực đến cùng để đưa các con tin về nhà.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Fumio Kishida cũng cho biết "không có gì để thông báo" sau khi tổ chức một cuộc gặp với lực lượng khẩn cấp sáng 23/1.
Nhà báo tự do Kenji Goto và chủ thầu khoán Haruna Yukawa đã bị các tay súng chưa rõ danh tính bắt giữ, và ghi hình vào một đoạn băng đe dọa hành quyết để đòi một khoản tiền chuộc 200 triệu USD. Hiện chưa thể xác định tính xác thực của đoạn băng vì trong đó không có các dấu hiệu phân biệt như cờ và logo của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang hoành hành tại Iraq và Syria.
Giới chức Nhật Bản cho biết họ đang cố gắng tìm một kênh thông tin để liên hệ với nhóm này. Ông Yosuke Isozaki, một cố vấn của Thủ tướng Shinzo Abe, ngày 23/1 cho biết Nhật Bản đang tiếp xúc "gián tiếp" với các tay súng.
Tokyo có tiếng nói ngoại giao không lớn tại khu vực Trung Đông, nhưng truyền thông địa phương cho biết ông Abe có thể sử dụng quan hệ thân thiện với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan để tìm cách giải cứu con tin. Tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản ra ngày 24/1 cho biết Jordan cũng đã cố tiếp xúc với IS thông qua các lãnh đạo tôn giáo có ảnh hưởng ở Amman.
Từ tháng 8/2014, nhóm thánh chiến IS đã hành quyết 5 con tin phương Tây. Đây là lần đầu tiên nhóm này đe dọa các con tin Nhật Bản. Tokyo đang chịu sức ép từ Anh và Mỹ, hai nước có chính sách không bao giờ trả tiền chuộc./.