Ngày 24/10, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida khẳng định Chính phủ Nhật Bản sẽ lắng nghe tiếng nói trực tiếp từ các nạn nhân của Liên đoàn Gia đình vì Hòa bình và Thống nhất Thế giới (thường được gọi là Giáo hội Thống nhất), một tổ chức đang thu hút sự chú ý của dư luận nước này sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe hôm 8/7.
Đây là một phần của cuộc điều tra nhằm vào giáo hội này.
Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Ngân sách Hạ viện, ông Kishida nói: “Điều quan trọng là lắng nghe tiếng nói từ các nạn nhân, luật sư và các tổ chức liên quan.”
[Nhật Bản có thể sẽ tiến hành điều tra Giáo hội Thống nhất]
Theo ông Kishida, chính phủ đã xác định được 22 vụ việc vi phạm Luật Dân sự của Giáo hội Thống nhất, nhưng chúng chưa đủ để đề nghị tòa án ra lệnh giải tán tổ chức này.
Hôm 17/10, Thủ tướng Kishida đã chỉ đạo Bộ trưởng Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ tiến hành điều tra Giáo hội Thống nhất. Theo các phương tiện truyền thông Nhật Bản tùy thuộc vào kết quả điều tra, Chính phủ Nhật Bản có thể ra lệnh giải tán Giáo hội Thống nhất theo luật công ty tôn giáo.
Và nếu lệnh giải tán được đưa ra, Giáo hội Thống nhất sẽ mất tư cách công ty tôn giáo và sẽ không còn được hưởng các quyền lợi về thuế, nhưng vẫn có thể hoạt động như một thực thể tôn giáo.
Cho tới thời điểm này, mới có 2 tổ chức tôn giáo ở Nhật Bản bị tòa án ra lệnh giải tán vì vi phạm pháp luật, bao gồm AUM Shinrikyo - tổ chức thực hiện vụ tấn công chết chóc bằng khí sarin trên hệ thống tàu điện ngầm ở thủ đô Tokyo vào năm 1995 - và Thánh thất Myokakuji có trụ sở ở Wakayama.
Tại Nhật Bản, Giáo hội Thống nhất bắt đầu gây tranh cãi với việc bán đồ tâm linh vào những năm 1980 và chịu nhiều tai tiếng khi tổ chức các đám cưới tập thể. Tuy nhiên, kể từ đó, có rất ít thông tin về giáo hội này cho đến khi xảy ra vụ ám sát cố Thủ tướng Abe./.