Tờ Sankei Shimbun dẫn một nguồn thạo tin ngày 4/2 cho hay Chính phủ Nhật Bản sẵn sàng xem xét việc triển khai các tên lửa tầm trung của Mỹ trên lãnh thổ quốc gia Đông Bắc Á này nếu Washington khởi động đàm phán chính thức về vấn đề này.
Theo nguồn tin, trong 3-4 năm qua, vấn đề này mới chỉ được Mỹ nêu ra bên lề các cuộc họp song phương mà chưa được lãnh đạo 2 nước thảo luận chính thức.
[Nhật, Mỹ tập trận không quân sau vụ phóng ICBM của Triều Tiên]
Washington đã ngụ ý rằng Nhật Bản có thể triển khai vũ khí siêu vượt âm tầm xa (LRHW) và tên lửa hành trình Tomahawk, hiện đang được phát triển, trên lãnh thổ quốc gia Đông Bắc Á này. Tuy nhiên, hiện chưa có đề xuất cụ thể nào về địa điểm triển khai.
Ngoài ra, còn có khả năng những tên lửa này sẽ được bố trí trên các tàu quân sự Mỹ đóng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương theo hình thức luân phiên.
Nguồn tin nhấn mạnh việc triển khai tên lửa ở Nhật Bản phù hợp với kế hoạch chiến lược an ninh hàng hải của Washington.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã thảo luận với Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc tăng cường hơn nữa liên minh quân sự giữa hai nước trong chuyến thăm Washington vào giữa tháng Một vừa qua.
Tại cuộc gặp, ông Kishida cho biết Nhật Bản có kế hoạch mua hàng trăm tên lửa Tomahawk nhằm nâng cao khả năng phòng thủ của nước này.
Trước cuộc gặp, truyền thông đưa tin Tokyo dự định mua tới 500 tên lửa loại này của Mỹ trước năm 2027.
Nhật Bản từ lâu vẫn duy trì chính sách an ninh theo hướng tự vệ, đồng thời giới hạn ngân sách quốc phòng hằng năm ở mức khoảng 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tương đương hơn 5.000 tỷ yen.
Tuy nhiên, để tăng cường khả năng phòng thủ của nước này, đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Thủ tướng Kishida đang đặt mục tiêu tăng gần gấp đôi chi tiêu quốc phòng lên tương đương ít nhất 2% GDP, ngang bằng với mức chi quốc phòng của các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)./.