Nhật Bản sẽ hợp tác với Mỹ duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông

Giáo sư Tsuyoshi Ito, Đại học Meiji, Nhật Bản phát biểu về khả năng can dự của Nhật Bản vào vấn đề Biển Đông cũng như khả năng Trung Quốc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ).
Nhật Bản sẽ hợp tác với Mỹ duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông ảnh 1Giáo sư Tsuyoshi Ito, Đại học Meiji, Nhật Bản trả lời phỏng vấn Phóng viên TTXVN. (Ảnh: Phạm Duy/Vietnam+)

Nhân dịp diễn ra hội thảo quốc tế với chủ đề “Phương hướng giải quyết hòa bình tranh chấp ở biển Đông” vào ngày 30/10 vừa qua tại thành phố Busan, Hàn Quốc với sự tham dự của gần 100 học giả đến từ Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc và Việt Nam.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư Tsuyoshi Ito, Đại học Meiji, Nhật Bản xung quanh khả năng can dự của Nhật Bản vào vấn đề Biển Đông cũng như khả năng Trung Quốc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại khu vực này. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

-Phóng viên:

Gần đây, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua gói dự luật an ninh mới, trong đó cho phép quân đội Nhật Bản được mở rộng phạm vi hoạt động ra nước ngoài để bảo vệ lợi ích của Nhật Bản. Theo đánh giá của ông, Chính phủ Nhật Bản sẽ can dự như thế nào để đảm bảo an toàn hàng hải trong bối cảnh tranh chấp ở Biển Đông ngày càng căng thẳng, phức tạp?

Giáo sư Tsuyoshi Ito: Trong những ngày này, báo chí Nhật Bản nói nhiều về việc Nhật Bản và Mỹ tiến hành tập trận chung ở biển Biển Đông. Mặc dù phía Nhật Bản nói rằng việc này là hoàn toàn bình thường và đã được lên kế hoạch từ trước nhưng tôi thấy việc này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ cho tàu đi qua sát vùng mà Trung Quốc xây dựng.

Tôi cho rằng việc này đã gửi một rất mạnh mẽ tới phía Trung Quốc. Bằng việc tiến hành tuần tra tại đây, phía Mỹ muốn gửi một thông điệp rằng Trung Quốc phải tôn trọng tự do hàng hải. Những gì Trung Quốc vẫn thường nói liên quan đến Biển Đông thường khác với quan niệm của các nước láng giềng.

Thứ nhất, ý kiến của Trung quốc về vùng biển này hoàn toàn khác với ý kiến của các nước láng giềng. Cũng giống như Mỹ và các nước khác, Nhật Bản cho rằng tự do hàng hải phải được tôn trọng. Điều đó có nghĩa là mọi phương tiện đều được tự do đi lại. Về an ninh năng lượng đối với Nhật Bản, sự tự do hàng hải có ý nghĩa rất lớn đối với các tàu chở dầu của Nhật Bản đi lại tại khu vực trên.

Thứ hai, những tuyên bố của Trung Quốc về vùng đặc quyền kinh tế gây cho tôi ấn tượng rằng dường như Trung Quốc đã kiểm soát toàn bộ vùng Biển Đông và Trung Quốc bắt đầu tuyên bố rằng khu vực đó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế không chỉ thuần túy mang tính kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị, quân sự. Điều đó có nghĩa là một khi Trung Quốc bắt đầu kiểm soát sự tự do hàng hải của nước khác, phản đối các cuộc diễn tập và hạn chế sự đi lại của phương tiện của các nước khác thì đây chính là điều mà họ đang tìm kiếm. Nếu Trung Quốc duy trì sự tự do đi lại của các phương tiện của các nước khác thì các nước khác sẽ không cảm thấy bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo được rằng Trung Quốc sẽ có ý tưởng như vậy với các nước khác.

Tôi cho rằng sau khi quốc hội Nhật Bản thông qua dự luật an ninh kể trên, chúng tôi (Nhật Bản) sẽ tìm kiếm khả năng hợp tác với Mỹ, đặc biệt là các hoạt động quân sự gần khu vực mà Trung Quốc mới xây dựng, không chỉ là các cuộc diễn tập quân sự mà còn cả các hoạt động tuần tra quân sự ở vùng Biển Đông. Mục đích tối cao của việc này là duy trì sự tự do hàng hải, không phải chỉ vì lợi ích của riêng Nhật Bản mà còn của các nước khác, thậm chí là của ngay Trung Quốc. Như vậy, ổn định trên vùng Biển Đông cần được duy trì cho tất cả những bên tham gia ở khu vực trên.

-Phóng viên:

Theo ông các bên liên quan nên làm gì nếu Trung Quốc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không ở khu vực Biển Đông giống như đã làm ở biển Hoa Đông?

Giáo sư Tsuyoshi Ito: Đây sẽ là vấn đề vô cùng nghiêm trọng vì Nhật Bản đã từng trải qua việc Trung Quốc làm một việc tương tự trên khu vực biển Hoa Đông. Việc này xảy ra cách đây vài năm và phía Trung Quốc không nói gì với phía Nhật Bản cũng như với các nước láng giềng.

Không giống như trường hợp của các nước châu Âu, nơi có các ADIZ có phần chồng lấn với nhau, các nước châu Á đã nhất trí với nhau để các ADIZ này không chồng lấn với nhau. ADIZ mà Trung Quốc vừa tuyên bố đã có phần chồng lấn với ADIZ của không chỉ Nhật Bản mà ADIZ của Đài Loan còn là mục tiêu của ADIZ của Trung Quốc.

Trung Quốc cho rằng họ đang thực hiện quyền chủ quyền của mình và lý lẽ tương tự sẽ được Trung Quốc áp dụng trong việc thiết lập ADIZ trên khu vực Biển Đông của Việt Nam. Trong một tương lai gần, có khả năng Trung Quốc đại lục sẽ thiết lập một ADIZ trên vùng biển Đông mà không nói gì với bất kỳ nước láng giềng nào.

Tôi cho rằng chúng ta cần nhìn vào diễn biến phức tạp tại vùng biển Hoa Đông và trong tương lai là vùng Biển Đông. Trung Quốc hiện đang tăng cường khả năng khẳng định chủ quyền ở khu vực Biển Đông. Không giống như trường hợp các nước châu Âu có khả năng tiến hành tham vấn về các vấn đề với các nước láng giềng, các nước châu Á lại không có khả năng này. Điều này có nghĩa là một khi Trung Quốc chuẩn bị thiết lập ADIZ mà không thảo luận với các nước láng giềng, Trung Quốc sẽ cố giữ mãi kiểu lập luận trên và đây sẽ là nguồn gốc gây ra nhiều vấn đề giữa các nước có tuyên bố chủ quyền ở khu vực Biển Đông.

Tôi cho rằng Trung Quốc chủ yếu chỉ nghĩ đến lợi ích của họ mà không nghĩ đến cơ sở pháp lý. Ngay cả khi các nước láng giềng cho rằng điều này là phi pháp khi xét trên cơ sở của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) thì Trung Quốc đại lục cũng sẽ tìm cách cưỡng ép thay đổi thực trạng hiện nay và cho rằng như vậy mới là thực trạng. Do đó tôi cho rằng dư luận quốc tế cần quan tâm hơn tới thái độ áp đặt của Trung Quốc.

Xin cảm ơn Giáo sư đã tham gia phỏng vấn của phóng viên TTXVN./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.