Nhật Bản: Tên lửa Triều Tiên rơi trong vùng nhận dạng phòng không

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada ngày 16/5 cho rằng tên lửa đạn đạo mà Triều Tiên phóng hồi cuối tuần qua được cho là đã rơi trong vùng nhận dạng phòng không của Nhật Bản trên Biển Nhật Bản.
Nhật Bản: Tên lửa Triều Tiên rơi trong vùng nhận dạng phòng không ảnh 1Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada. (Nguồn: AP)

Theo hãng thông tấn Kyodo, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada ngày 16/5 cho rằng tên lửa đạn đạo mà Triều Tiên phóng hồi cuối tuần qua được cho là đã rơi trong vùng nhận dạng phòng không của Nhật Bản trên Biển Nhật Bản. 

Phát biểu với báo giới, bà Inada cho biết tên lửa trên được cho là đã rơi xuống Biển Nhật Bản, cách đảo Okushiri thuộc Hokkaido ở cực Bắc Nhật Bản khoảng 450 km.

Về loại tên lửa mà Triều Tiên đã phóng, bà Inada cho rằng tên lửa này khác với những tên lửa đạn đạo khác mà Bình Nhưỡng đang có, căn cứ vào hình dạng đầu đạn của tên lửa theo ảnh chụp được Bình Nhưỡng công bố.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản không xác nhận đây có phải là loại tên lửa liên lục địa có thể bắn tới đất liền Mỹ hay không, cũng như có được bắn từ một bệ phóng di động hay không. Bà Inada cho biết hiện Bộ Quốc phòng Nhật Bản "đang tiến hành phân tích chi tiết."

[Hội đồng Bảo an cam kết tăng cường biện pháp trừng phạt Triều Tiên]

Trước đó, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, ngày 14/5, nước này đã phóng thử thành công một loại tên lửa đạn đạo chiến lược đất đối đất tầm trung mới Hwasong-12 có thể gắn đầu đạn hạt nhân.

Theo KCNA, tên lửa đã được phóng ở góc cao nhất nhằm đảm bảo an ninh cho các nước láng giềng. Tên lửa Hwasong bay được 787 km và đạt độ cao 2.111,5 km trước khi rơi xuống Biển Nhật Bản. 

Cùng ngày 16/5, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã điện đàm với người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson. 

Phát biểu trước một ủy ban của Thượng viện Nhật Bản, Ngoại trưởng Kishida cho biết tại cuộc điện đàm, hai bên đã nhất trí phối hợp với cộng đồng quốc tế, trong đó có Nga và Trung Quốc, gây sức ép với Triều Tiên, đồng thời cho rằng vụ phóng thử tên lửa mới đây nhất của Bình Nhưỡng là "hoàn toàn không thể chấp nhận được và các bên cần phải đưa ra lập trường kiên quyết" đối với vấn đề này.

Ngoại trưởng Nhật Bản nhấn mạnh: "Đối thoại chỉ để đối thoại là vô nghĩa. Hiện nay, quan trọng là gây sức ép đối với Triều Tiên."

Bên cạnh đó, hai bên cũng nhất trí hợp tác chặt chẽ với chính phủ mới của tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhằm giải quyết vấn đề Triều Tiên. 

Theo một quan chức Nhật Bản, Tokyo và Washington sẽ kêu gọi Trung Quốc - một đối tác kinh tế quan trọng của Bình Nhưỡng - cùng với Nga - một thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đóng vai trò trong việc gây sức ép buộc Triều Tiên từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa. 

Đây là cuộc điện đàm lần thứ 2 giữa Ngoại trưởng Kishida và người đồng cấp Tillerson. Cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai quan chức này diễn ra ngay sau khi Triều Tiên phóng tên lửa vào ngày 14/5./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.