Nhật Bản tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất điện hạt nhân

Nhật Bản đang hướng đến mục tiêu nâng tỷ trọng điện hạt nhân lên ít nhất 20% trong tổng sản lượng điện của nước này vào năm 2030.
Nhà máy điện hạt nhân Sendai, tỉnh Kagoshima. (Nguồn: Japan News)

Nhật Bản đang hướng đến mục tiêu nâng tỷ trọng điện hạt nhân lên ít nhất 20% tổng sản lượng điện của nước này vào năm 2030.

Bất chấp làn sóng phản đối điện hạt nhân của người dân, Chính phủ của Thủ tướng Shizo Abe vẫn giữ vững quan điểm rằng điện hạt nhân là nguồn năng lượng quan trọng.

Một số chuyên gia cho rằng thời điểm hiện nay vẫn là quá sớm để Nhật Bản quay lại với năng lượng hạt nhân, sau sự cố hạt nhân nghiêm trọng tại Fukushima hồi tháng 3/2011.

Trong cuộc họp gần đây, các quan chức Nhật Bản đã đề xuất kế hoạch nâng tỷ trọng đóng góp của các nguồn sản xuất điện cơ bản (gồm điện hạt nhân, nhiệt điện sử dụng than, thủy điện, địa nhiệt) lên 60%, so với mức 40% hiện nay.

Tuy nhiên, Nhật Bản không muốn tăng mạnh tỷ trọng của nhiệt điện trong cơ cấu năng lượng, do những quan ngại về ô nhiễm môi trường. Trong khi thủy điện và địa nhiệt cần chi phí và tốn một thời gian dài để lắp đặt.

Trước thảm họa năm 2011, điện hạt nhân đóng góp khoảng 30% tổng sản lượng điện của Nhật Bản. Song trong tài khóa 2013, điện hạt nhân chỉ chiếm 1% sản lượng điện của cả nước, do các lò phản ứng hạt nhân đều ngừng hoạt động vì những lo ngại về an toàn.

Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ khởi động lại một số lò phản ứng hạt nhân được xác định là đảm bảo an toàn trong năm nay.

Trong chính sách năng lượng được thông qua hồi tháng 4/2014, Chính phủ Nhật Bản đã cam kết giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân và thúc đẩy hoạt động sản xuất năng lượng tái tạo càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, Tokyo vẫn xác định năng lượng hạt nhân là nguồn năng lượng quan trọng đối với đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục