Ngày 9/8, bên lề các cuộc họp ASEAN và các đối tác đang diễn ra ở thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Mỹ John Kerry.
Tại cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Kishida khẳng định Nhật Bản "ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố của Chính phủ Iraq và Mỹ," trong đó Tokyo hiểu rằng cuộc không kích hôm 8/8 của Mỹ tại Iraq - lần đầu tiên kể từ khi Mỹ rút quân khỏi nước này năm 2011 - là nhằm bảo vệ dân thường Iraq và cuộc không kích được thực hiện với sự đồng ý của Chính phủ Iraq.
Ngoại trưởng Kishida đã thông báo vắn tắt cho người đồng cấp John Kerry về sáng kiến của Nhật Bản trong việc giải quyết vấn đề con tin Nhật Bản bị bắt cóc tại Triều Tiên nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của Washington, đồng thời qua đó khẳng định rằng việc Tokyo "bắt tay" với Bình Nhưỡng để giải quyết thấu đáo vấn đề con tin sẽ không làm ảnh hưởng tới sự hợp tác giữa Tokyo cùng Mỹ và Hàn Quốc trong việc kiểm soát các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Tình hình chiến sự tại Ukraine và cuộc xung đột giữa Israel và Palestine tại Dải Gaza cũng được hai ngoại trưởng bàn luận trong cuộc gặp này. Hai bên nhất trí sẽ tăng cường hợp tác với các nước còn lại trong Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) - gồm Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản - để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ukraine.
Phía Nhật Bản đồng thời thông báo đã gia tăng các lệnh trừng phạt đối với Nga sau khi Moskvathất bại trong việc tháo ngòi nổ căng thẳng ở Ukraine. Đáp lại động thái này của Tokyo, Nga đã tuyên bố hoãn cuộc họp cấp thứ trưởng với Nhật Bản - vốn được lên kế hoạch diễn ra vào cuối tháng này.
Cũng trong ngày 9/8, Ngoại trưởng Fumio Kishida đã có cuộc gặp với người đồng cấp Hàn Quốc Yun Byung Se ở Nay Pyi Taw. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa ngoại trưởng hai nước kể từ tháng 9/2013 - sau khi hai nước xảy ra bất đồng về tranh chấp lãnh thổ cũng như quan điểm về lịch sử chiến tranh, đồng thời là cơ hội để xem xét khả năng tiến hành hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước trong thời gian tới.
Tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Kishida bày tỏ hy vọng mối quan hệ hai nước có thể phát triển hướng tới tương lai và có triển vọng rộng mở hơn, đặc biệt là khi trong năm tới Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ kỷ niệm 70 năm ngày kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai và 50 năm ngày bình thường hóa quan hệ.
Trước đó, phía Hàn Quốc đã hoan nghênh việc chính quyền Nhật Bản của Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố không xem xét lại lời xin lỗi chính thức của các chính quyền Tokyo đưa ra các năm 1993 và 1995 về những hành động tàn bạo của binh lính Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 2/2013, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye mới chỉ duy nhất một lần ngồi vào bàn hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Abe, song có Tổng thống Mỹ Barack Obama làm trung gian (hồi tháng 3/2014).
Trong cuộc gặp cùng ngày với người đồng cấp Australia, bà Julie Bishop, Ngoại trưởng Kishida đã nhất trí tiếp tục các nỗ lực hợp tác trong cuộc điều tra quốc tế về vụ rơi máy bay Boeing 777 số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines ở miền Đông Ukraine hôm 17/7 vừa qua (khiến 298 người thiệt mạng, trong đó có 27 công dân Australia). Ông Kishida đồng thời hối thúc các bên liên quan ở Ukraine ngừng bắn và hướng tới hòa bình.
Về vấn đề khu vực, hai ngoại trưởng đã nhất trí rằng các vụ thử tên lửa đạn đạo trong thời gian gần đây của Triều Tiên đã vi phạm Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Bình Nhưỡng cần có những bước đi cụ thể để tiến tới phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Hai bên đồng thời cam kết tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực như an ninh quốc phòng, công nghệ và đặc biệt là kinh tế, sau khi lãnh đạo hai nước hồi tháng trước đã ký thỏa thuận thương mại tự do sau 7 năm đàm phán./.